Nghịch lý ở một bộ phận người trẻ:

Khi cử nhân chạy xe ôm, cắt tóc

 Tại sao một số người có bằng đại học (ĐH) lại đi làm xe ôm, cắt tóc, bán trà đá, phụ hồ, bồi bàn...?

Ngànhhot xuống... xe ôm

Cử nhân Nguyễn Thị Hồng an phận với nghề làm tóc Ảnh: D.N

Một lần qua siêu thị Big C (Hà Nội), tôi bắt gặp anh Sơn, hơn tôi 2 tuổi, từng học khóa trên của ĐH Mỏ - Địa chất. 10 năm trước, khi mới ra trường, anh vào Vũng Tàu làm kỹ sư dầu khí, nghề có thu nhập cao chót vót mà nhiều người như chúng tôi luôn mơ ước. Chúng tôi xa nhau từ đó. Anh Sơn kể, vào đó công tác một thời gian, cuộc sống vật chất khá tốt, nhưng anh làm việc không đạt yêu cầu. Công việc luôn biến chuyển, nhưng do không chịu học hỏi, trau dồi, rượu chè liên miên, sống vô nguyên tắc nên anh càng trở lên lạ lẫm với đồng nghiệp và bị sa thải.

Ra Bắc, đi gõ cửa nhiều nơi nhưng không nơi nào nhận. Buồn chán, cuối cùng, anh Sơn dùng ngựa sắt làm cần câu cơm được 2 năm rồi. Anh tâm sự: Đây là nghề không được nhiều người coi trọng, nhưng bù lại được tự do, chạy chuyến xong có tiền tươi thóc thật, đỡ phức tạp như trong cơ quan, phải tuân thủ đủ thứ nguyên tắc…

Nhìn dáng bộ ngồi vất vưởng trên xe chờ khách, không ai nghĩ Phan Văn Thịnh (SN 1988, quê Thanh Liêm, Hà Nam) sở hữu bằng cử nhân công nghệ thông tin (ĐH Kinh doanh và Công nghệ). Thịnh tâm sự: "Tốt nghiệp ĐH, mình xin được việc trong một Cty tư nhân về thiết bị mạng, nhưng lương thấp, lại bị quản lý giờ giấc nên nghỉ làm. Nghề xe ôm mới làm được mấy tháng, mình thấy thoải mái, thích làm thì làm, không làm thì nghỉ". Hỏi về bằng ĐH, Thịnh phân trần: "Có bằng mà không có chỗ làm vừa ý thì đi làm thế này sướng hơn". Tuy nhiên, sau một hồi làm quen, Thịnh thổ lộ: Tưởng nghề xe ôm an nhàn, nhưng cũng nhiều khó khăn, không ít lần chở khách bị quỵt tiền, trấn lột.

Phan Văn Thịnh - cử nhân CNTT làm xe ôm Ảnh: D.N.


Tốt nghiệp ĐH Bách khoa hệ cao đẳng, chàng trai gốc Hà Nội N.V.Hùng xin được chân giám sát dây chuyền tại nhà máy xi măng ở Hà Nam. Làm được 5 tháng, Hùng thấy công việc nhàm chán nên xin nghỉ để đi học liên thông lên đại học. Ra trường hơn 1 năm nay, gõ cửa xin việc nhiều nơi, cuối cùng cũng có một Cty trong lĩnh vực điện mời anh vào làm việc. Làm được 2 tháng, do thiếu nhiệt huyết, bỏ bê thường xuyên, trong khi ít kinh nghiệm, Hùng hay bị sai vặt nên nảy sinh mâu thuẫn với đồng nghiệp và cấp trên rồi tự ý xin nghỉ làm. Từ đó, Hùng thành chuyên gia nhảy việc, gần 30 tuổi vẫn nay đây mai đó. Chán nản, Hùng quay ra hành nghề xe ôm.

Theo Hùng, giữa kiến thức ở trường và thực tế có khác nhau, nhưng không phải quá khó để nắm bắt, vấn đề là lính mới, còn trẻ thì phải chịu khó phục tùng. Hùng tự nhận mình là người nóng nảy, cứng đầu nên mới như thế này.

Chân tay thay trí óc

Đảo quanh một vòng ở các thành phố lớn, có thể bắt gặp vô số cử nhân đang làm những công việc chân tay như bồi bàn, cắt tóc gội đầu, phụ hồ, tiếp thị, phát tờ rơi...

Tốt nghiệp ngành công tác xã hội (ĐH Lao động xã hội) đã 2 năm nhưng Nguyễn Thị Hồng (quê Lương Sơn, Hòa Bình) chạy tới, chạy lui xin việc mà không nơi nào nhận do thiếu kinh nghiệm. Đang lúc buồn chán, gia đình khó khăn, có chị cùng quê mở tiệm làm tóc thời trang trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội nên Hồng quyết định vừa giúp việc vừa học nghề. "Nghề nào cũng được, miễn là mình có tiền để gửi về quê giúp bố mẹ nuôi em ăn học. Mình cũng đang cố gắng vừa làm, vừa góp vốn rồi về quê mở tiệm làm tóc, chứ không thiết tha gì chuyện cầm tấm bằng đại học đi xin việc nữa", Hồng nói khi đang gội đầu cho khách.

Lao động chân tay tưởng được an phận, nhưng Hồng tâm sự: "Làm nghề thợ cắt tóc cũng nhiều cám dỗ, rủi ro lắm. Nhiều khi họ nghĩ mình thế này, thế kia”.

Sau một thoáng dè dặt, H.T.Hoa, tốt nghiệp ngành thông tin thư viện (ĐH KHXH & NV), làm nhân viên bán hàng quần áo trên phố Chùa Bộc (Hà Nội), tâm sự: "Làm ở đây tuy không đúng ngành nhưng vẫn còn hơn những người khác phải về quê. Mình cũng chưa biết khi nào mới dám cầm tấm bằng đi xin việc như 4-5 tháng trước đây".

Từng là kỹ sư điện tử làm tại một Cty có tiếng ở Hà Nội với mức lương cao ngất ngưởng, nhưng sau đó làm ăn thua lỗ nên Tiến và nhiều nhân viên khác phải nghỉ việc. Xin việc mãi, Tiến cũng đành chấp nhận làm ở cơ sở điện tử mới, điều kiện vật chất khó khăn hơn trước khiến anh lúc nào cũng mơ về quá khứ hoàng kim. Sống trong tâm trạng đó, Tiến hay bức xúc với đồng nghiệp, cấp trên. Căng thẳng quá mức nên Tiến phải xin nghỉ việc. Hiện Tiến hành nghề cắt tóc trên phố Trương Định (Hà Nội) kiếm 100 - 200 ngàn đồng/ngày. Hỏi về tương lai, Tiến chỉ vào bộ đồ nghề.

Phố Thái Thịnh (Hà Nội) cũng là nơi có nhiều cử nhân làm nghề cắt tóc. Trung Hoài, cựu sinh viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, cho biết tốt nghiệp bằng khá, có khiếu ăn nói nên ra trường không khó xin việc. Sau thời gian làm việc ở Cty nhà nước, Hoài nhanh chóng khẳng định được mình. Tuy nhiên, sau một lần đi công tác xa không hoàn thành nhiệm vụ, tiêu tốn kinh phí của Cty, bị sếp ý kiến, tính tự ái cao nên Tiến nảy sinh mâu thuẫn. Sẵn tính đứng núi này trông núi nọ, Tiến bỏ làm nhà nước ra ngoài lập Cty mới. Do quản trị kém, Cty phá sản trong nợ nần. Chán nản, Tiến quyết làm lại từ đầu bằng nghề cắt tóc.

* tên nhân vật trong bài đã đổi

Kim Hưng - Duy Ngợi

Theo: tienphongonline
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN