Khi bị chấm dứt hợp đồng, lao động ngắn hạn được hưởng quyền lợi gì?

Bạn đọc hỏi: Tôi có trình độ đại học, đã làm việc tại công ty được 3 tháng, bao gồm cả thời gian thử việc. Công ty vừa yêu cầu chấm dứt quan hệ lao động với lý do gặp khó khăn. Tôi đã nhận lương đủ 3 tháng làm việc, vậy khi chấm dứt quan hệ lao động, quyền lợi của tôi sẽ được giải quyết như thế nào?

Số người đến giải quyết bảo hiểm thất nghiệp gia tăng. Ảnh: Đan Phương

Về vấn đề này, theo Điều 26 Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc”.


Điều 27 Bộ luật Lao động quy định thời gian thử việc: “Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:


- Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;


- Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.


- Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác”.


Theo Điều 29 của Bộ luật Lao động: “Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”.


Người sử dụng lao động chưa ký hợp đồng bằng văn bản, nhưng trên thực tế thì quan hệ lao động đã phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.


Trong trường hợp cụ thể này, khi hai bên chấm dứt quan hệ lao động theo Khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động: “Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã”. Do đó, được hưởng trợ cấp mất việc làm theo Khoản 2, 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, ngày 12/1/2015 quy định như sau: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Khoản 10 Điều 36, Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật Lao động.


Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc. Trong đó: Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian thử việc, học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.


Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 6 tháng trở lên được tính bằng 1 năm làm việc”.


Căn cứ Nghị định 05/2015/NĐ-CP: Thời gian tính trợ cấp mất việc làm của bạn là 1/2 năm. Chế độ hưởng: Khoản 1 Điều 49 Bộ luật Lao động quy định: “Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương”.


Do đó, với thời gian làm việc 3 tháng nên chưa đủ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, do bạn tốt nghiệp đại học, thì thời gian thử việc không quá 60 ngày. Sau 60 ngày, vẫn tiếp tục làm việc đã được 1 tháng thì việc thử việc đã đạt yêu cầu. Nay doanh nghiệp chấm dứt quan hệ lao động, vậy, chế độ hưởng trợ cấp mất việc làm là ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương.


XC/Báo Tin Tức
Gần 100% công nhân lao động không muốn kéo dài tuổi làm việc
Gần 100% công nhân lao động không muốn kéo dài tuổi làm việc

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong năm 2017 cho thấy gần 100% công nhân, lao động không muốn kéo dài tuổi làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN