Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng đề nghị, UBND thành phố Đà Lạt chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý, phòng, chống ô nhiễm các hồ lắng gồm hồ Đội Có (đoạn gần bến Du thuyền, đường Trần Quốc Toản); hồ Cầu Sắt (đoạn gần Vườn hoa thành phố Đà Lạt); hồ Amsuze (đường Yersin, gần quảng trường Lâm Viên). Trong đó, tập trung xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng với các biện pháp trước mắt như: sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, bơm hút nước để xử lý ô nhiễm; trồng cây thủy sinh có khả năng xử lý nước, tạo cảnh quan; nạo vét bùn, bồi lắng; vệ sinh mặt nước hoặc các giải pháp phù hợp khác.
Về lâu dài, thành phố cần nghiên cứu lập dự án thu gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh hồ lắng, khu vực có nước xả thải ra hồ Xuân Hương và dọc theo lưu vực suối đổ về hồ lắng; xây dựng kè chống bồi lắng, bảo vệ suối; tạo công viên cảnh quan cho các hồ lắng.
Ngoài ra, UBND thành phố Đà Lạt khẩn trương lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ xả nước thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường; đồng thời kiểm tra và thực hiện các biện pháp quản lý đối với việc tập trung ngựa (phục vụ du lịch) có nước thải, chất thải phát sinh tại hồ Cầu Sắt. Địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, gia đình, cá nhân đổ rác thải không đúng nơi quy định, đổ trực tiếp ra các hồ lắng gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước.
Hồ Xuân Hương được xem là “trái tim” của thành phố Đà Lạt và được xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Xung quanh thắng cảnh này có 3 hồ lắng nêu trên để lắng lọc bùn đất, rác thải nông nghiệp và sinh hoạt từ các con suối trước khi đổ về lòng hồ Xuân Hương. Trong mùa khô hàng năm, cả 3 hồ lắng này thường rơi vào tình trạng ô nhiễm, nước đổi màu đen, bốc mùi hôi khó chịu và giảm bớt vào mùa mưa. Tuy nhiên năm nay, dù mùa mưa đã bắt đầu hơn một tháng nhưng tình trạng ô nhiễm các hồ lắng vẫn diễn ra trầm trọng.