Kết nối các phiên giao dịch trực tuyến, thông tin về thị trường lao động

Các sàn giao dịch việc làm địa phương đang đẩy mạnh việc kết nối giao dịch trực tuyến việc làm cho doanh nghiệp và người lao động. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ gia tăng khi các hoạt động kinh tế phục hồi sau khi các địa phương dần bỏ giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Giao dịch việc làm trực tuyến kết nối doanh nghiệp và lao động. Ảnh: TH

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ ngày 14/10, các phiên giao dịch việc làm vẫn áp dụng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và lao động có nhu cầu việc làm.

“Nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới tại Hà Nội có chiều hướng tăng sau khi Thủ đô cho phép mở cửa lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ với điều kiện đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Việc mở cửa trở lại các hoạt động dịch vụ sẽ dần dần phục hồi các hoạt động giao thương và từ đó sẽ gia tăng tỷ lệ nhu cầu tuyển dụng lao động. Thực tế cho thấy, hoạt động dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô, cho nên khi thực hiện giãn cách, nhiều cơ sở đã ngừng hoạt động và giảm số lao động, nhất là lao động thời vụ, lao động ngắn hạn. Do đó lực lượng này đã trở về quê trong khi chờ hoạt động kinh tế phục hồi”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Còn ông Nguyễn Xuân Quỳnh, Hiệp hội Vietnam F&B Managers Association (Hội Những nhà quản lý ẩm thực Việt Nam), Giám đốc điều hành nhà hàng Viet Kitchen cho biết: "Đến nay, 98% các nhà hàng phục vụ cho hoạt động du lịch Hà Nội đều đóng cửa. Đơn cử như nhà hàng của tôi cũng đóng cửa do không có khách và cho nhân viên nghỉ việc. Tuy nhiên, tôi vẫn cố thu xếp trả một phần lương cho khoảng 30% lực lượng chủ chốt, với điều kiện khi mở lại nhà hàng sẽ đi làm lại. Phần lớn họ về quê và chuyển nghề khác. Hiện tôi cũng tính mở cửa hoạt động trở lại theo hướng kinh doanh thực phẩm sạch nhưng nỗi lo lớn về lâu dài vẫn là tuyển nhân lực”.

Trong khi đó, anh Phạm Huỳnh (Lạng Sơn) cũng vừa đi làm trở lại 1 tuần nay sau khi chủ thầu tại phường Xuân La (Tây Hồ) gọi điện mời đi làm lại. “Cuối tháng 7/2021, khi Hà Nội chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội, tôi đã về quê nhưng không có việc nên chỉ làm phụ giúp gia đình. Nay có việc nên tôi làm đầy đủ xét nghiệm PCR rồi đi làm. Hiện công trường chỗ tôi mới chỉ có khoảng một nửa đi làm lại”, anh Phạm Huỳnh chia sẻ.

Ông Vũ Quang Thành nhận định: Bên cạnh sự kết nối từ các sàn giao dịch việc làm thì khả năng tự chủ động tìm việc làm của người lao động khá cao. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh cũng chủ động các kênh thông tin tuyển dụng như qua mạng xã hội, từ chính người quen của lao động đang làm, thông qua đơn vị tuyển dụng… “Do đó, với việc các doanh nghiệp đang hoạt động trở lại, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn thì thị trường lao động sẽ phục hồi trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành dự đoán.

Cùng với Hà Nội, các địa phương cũng tăng cường kết nối sàn giao dịch việc làm để thông tin, kết nối thị trường lao động. Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bắc Giang cho hay, trung tâm đẩy mạnh tăng cường kết nối việc làm cho người lao động không chỉ trong tỉnh và các địa phương. Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối doanh nghiệp với người lao động ở các địa phương như Bắc Ninh, Bắc Kạn được tổ chức.

Nhờ đó, người lao động và doanh nghiệp có thể "gặp nhau" mà không bị phát sinh chi phí đi lại, xét nghiệm. Sau khi người lao động phỏng vấn đạt, doanh nghiệp sẽ phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh hỗ trợ họ xét nghiệm và đưa đón người lao động đến Bắc Giang làm việc.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Việc kết nối trực tuyến giữa các sàn giao dịch việc làm đã thực hiện trong vài năm nay, tuy nhiên vẫn ở dạng “sơ khai”. Qua việc người lao động từ các tỉnh về quê vừa qua cho thấy dữ liệu thông tin về thị trường lao động giữa các tỉnh, thành rất thiếu. Việc kết nối giữa lao động và chủ doanh nghiệp vẫn mang tính tự phát. Do đó, nếu có hệ thống dữ liệu về thị trường lao động sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều tiết thị trường lao động giữa các vùng với nhau, dự báo được nhu cầu tuyển dụng.

Hiện ứng dụng kết nối việc làm của các sàn việc các tỉnh đã có nhưng theo các chuyên gia lao động, nguồn dữ liệu nhập về nhu cầu tuyển dụng, tìm việc của lao động, trình độ, kỹ năng nghề... hiện rất thiếu.

“Muốn làm được điều này thì quan trọng là các địa phương phải nhập dữ liệu lao động đến tuổi lao động và nhu cầu tuyển dụng doanh nghiệp tại địa bàn để từ đó kết nối giữa cung và cầu”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Chú thích ảnh
XM/Báo Tin tức
Cơ sở lưu trú Hà Nội nghe ngóng tìm thị trường nguồn khách
Cơ sở lưu trú Hà Nội nghe ngóng tìm thị trường nguồn khách

Theo Công điện 21 của UBND TP Hà Nội, từ 6 giờ ngày 14/10, các cơ sở lưu trú được đón khách với điều kiện không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ tiêu chí kinh doanh lưu trú và yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, các khách sạn, resort, homestay tại Hà Nội vẫn chủ yếu nghe ngóng tìm thị trường nguồn khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN