Ngày lại ngày, kênh Đông Củ Chi vẫn “lặng lẽ” dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) về để tưới cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 12 xã phía bắc Củ Chi. 26 năm hoạt động (kênh được đưa vào sử dụng từ năm 1985) cũng là 26 năm kênh Đông Củ Chi khẳng định được vai trò phục vụ sản xuất, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Không chỉ thế, đó còn là niềm tự hào của người dân vùng đất Thép vì họ chính là những người góp phần tạo nên con kênh ngày hôm nay.
Kênh Đông Củ Chi. Ảnh: Internet
|
Không khó khăn lắm để chúng tôi tìm gặp những người đã từng tham gia đào đất làm kênh năm xưa, bởi như lời ông Nguyễn Văn Cảm, Phó phòng Kinh tế huyện Củ Chi, những năm đó hạn hán kéo dài không sản xuất được dẫn tới mất mùa, đói kém, nên khi chính quyền huyện phổ biến chủ trương làm kênh Đông Củ Chi dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh), người dân đều đồng tình ủng hộ. Người này rủ người kia tham gia đóng góp sức lao động, tạo nên một phong trào đào đất làm kênh sôi nổi, đầy nhiệt huyết trong toàn huyện.
Quây quần bên ấm nước trà giữa cái nắng dìu dịu của vùng quê yên ả, đôi mắt của “kiện tướng” đào đất một thời - Nguyễn Thị Ngỡ (ngụ tại ấp Tào Láo Thượng, xã Trung Lập Thượng) bỗng linh hoạt hơn khi kể cho chúng tôi nghe những ngày bà tham gia đào đất, đắp bờ dọn đường để xây dựng kênh Đông chính nối từ hồ Dầu Tiếng về địa phận Củ Chi. Bà Ngỡ tâm sự, thanh niên trong làng, trong xóm lúc bấy giờ rất hăng hái tham gia góp sức xây dựng kênh vì ai cũng muốn dân quê mình có nước tưới đồng ruộng. Mọi người bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa, nghỉ trưa nửa tiếng, sau đó lại bắt đầu công việc đến 4 giờ chiều. Chỉ bằng cuốc và xẻng, người đi trước cuốc đất ra cho người đi sau ôm đất lên đắp bờ kênh. Có những lúc tay sưng tấy, cả người nhức mỏi vì cầm cuốc, ôm đất nhưng mọi người vẫn không bỏ việc, vẫn hăng say làm việc, hoàn thành đúng tiến độ để đội thi công của thành phố tiến hành giai đoạn 2 bằng máy móc. Ngoài ra, để khích lệ tinh thần lao động hăng say trong quần chúng, chính quyền huyện đã tổ chức những cuộc thi “đào đất” giữa các xã. Chính quyền xã Trung Lập cũ (nay là Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ) vận động bà và một số thanh niên làm giỏi đi thi kiện tướng cấp huyện. Mỗi xã một đội (12 người gồm 1 y tá và 1 hậu cần) tập trung tại một địa điểm làm kênh trong huyện, thi với nhau trong vòng một tuần, đội nào một ngày đào hơn 10m3 đất đội đó sẽ giành chức “Kiện tướng” của xã. “Năm đó xã tôi đã giành được huy hiệu máy cày - phần thưởng dành cho đội kiện tướng của huyện. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng đối với mọi người đó là một niềm vinh dự rất lớn” - bà Ngỡ nói giọng đầy tự hào.
Kênh Đông Củ Chi thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và hơn 1,5 triệu ngày công lao động xã hội chủ nghĩa của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Công trình hoàn thành cơ bản vào năm 1985 và hiện nay đã được bê tông hóa. Kênh có chiều rộng trên 6m, tổng chiều dài các kênh tưới (kênh chính, kênh nội đồng) hơn 500 km và 200 km kênh tiêu. |
Rời nhà bà Ngỡ, chúng tôi ghé thăm một vài hộ dân trong ấp. Chúng tôi biết thêm, vài năm sau đó huyện Củ Chi chủ trương kéo dài kênh Đông dẫn nước tưới cho vùng đất phía nam huyện thuộc các xã Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An và thị trấn Củ Chi. Người dân ở các xã khác trong huyện sẵn sàng góp thêm ngày công lao động để hỗ trợ người dân ở những xã trên xây dựng kênh. Có người ở xã khác phải đi bộ trên 10 km. Người nào sáng bận việc thì đến tối làm bù, hết ngày công lao động lại đổi cho tốp khác. Không chỉ nhiệt tình đóng góp sức lao động mà người dân nơi đây còn tự nguyện hiến đất nếu tuyến kênh chính hay kênh nội đồng đi qua mà không cần đền bù. Anh Nguyễn Văn Bạnh, một nông dân ở ấp chia sẻ, ban đầu mọi người nghi ngờ vì sợ rằng mất đất mà không có nước canh tác. Chính quyền thuyết phục, tuyên truyền một thời gian bà con mới an tâm hiến đất. Thậm chí có hộ dân tình nguyện di dời nhà đi nơi khác để mở đường làm kênh.
Giờ đây đi dọc theo quốc lộ 22, hay vào các tỉnh lộ 7, 8, hương lộ 2… đâu đâu chúng tôi cũng thấy những cánh đồng phủ màu xanh của lúa, rau màu, của vườn cây ăn trái. Khó có thể nghĩ rằng nơi đây từng là vùng đất trắng bạc màu.
Ông Cảm cho chúng tôi hay, từ khi có nước kênh Đông, toàn huyện Củ Chi đã tiến hành khai hoang phục hóa, tháo chua, xổ phèn đồng ruộng. Nhờ đó nhiều diện tích bỏ hoang do không có nguồn nước tưới, sản xuất một vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp, một số vùng bà con đã sản xuất được 4 vụ/năm. Trong đó lúa từ 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ; đậu phộng (lạc) từ 0,8-1,2 tấn/vụ/ha, tăng bình quân lên 3,2-3,5 tấn/ha/vụ. Nông dân đã yên tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đất Thép xưa kia trở thành một vùng đất trù phú xanh tươi, là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho thành phố.
Công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của thành phố. Nhờ có công trình thủy lợi, thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000 ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000m3/ngày đêm… Bên cạnh đó công trình có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và khu vực Bắc Bình Chánh hơn 20.000 ha và phòng chống cháy rừng.
Lan Phương