Huy động các nguồn lực để phòng, chống đuối nước cho trẻ em

Nhằm góp phần giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, tỉnh Bình Định chủ trương phổ cập bơi bằng cách mở nhiều lớp dạy bơi và vận động nguồn lực lắp đặt nhiều hồ bơi di động tại các địa phương trong tỉnh.

Từ đầu tháng 6/2022 đến nay, tại hồ bơi di động Trường Tiểu học số 2 (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), rất nhiều học sinh đến học bơi. Các giáo viên dạy bơi giúp học sinh làm quen với nước, hình thành động tác bơi lội, phản xạ đơn giản dưới nước như: đạp chân, quạt tay, thở, nín thở dưới nước rồi tiến tới tập quen dần với một số kiểu bơi phổ biến.

Đồng thời, giáo viên hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đuối nước và cách xử lý khi gặp tai nạn đuối nước; hướng dẫn thao tác sử dụng các phương tiện cứu sinh như áo phao, phao nổi đúng cách, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các em gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước để chờ người lớn tới cứu.

Em Lê Khánh Quỳnh, học sinh Trường Tiểu học số 2 (phường Bình Định) cho biết: “Hồi trước, em rất sợ nước. Qua 3 tuần học bơi, em thấy tự tin hơn, cảm thấy bơi rất nhẹ nhàng, thỏa mái. Bơi lội là một môn thể thao giải trí, mình biết bơi để tự vệ cho bản thân, đồng thời có thêm kỹ năng để có thể cứu người đuối nước”.

Mới đây, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định cùng với các nhà hảo tâm đã tổ chức khánh thành, bàn giao 5 hồ bơi di động cho UBND thị xã An Nhơn. Mỗi hồ bơi có diện tích hơn 60m2, mực nước là 1,2m đảm bảo các tiêu chí an toàn cho trẻ. Ngay sau khi tiếp nhận các hồ bơi di động, UBND thị xã An Nhơn đã mở các lớp dạy bơi hè năm 2022, phục vụ chương trình phòng, chống đuối nước cho học sinh trên địa bàn thị xã.

Theo ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, địa phương có dòng sông Kôn chảy qua. Hàng năm, khi mùa lũ lụt, nước dâng cao, việc đi lại của các em học sinh rất là nguy hiểm. Do đó, việc phổ cấp bơi cho trẻ em, học sinh là hết sức cần thiết để tránh những tai nạn thương tâm xảy ra. Bên cạnh các hồ bơi hiện có, UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo các ngành tập trung triển khai dạy bơi cho học sinh ở các trường học. Trước mắt, các trường tập trung dạy bơi cho các em trong dịp hè này để giúp cho các em phòng, chống đuối nước”.

Bên cạnh những hồ bơi cố định, nhiều huyện, thị xã, thành phố ở tỉnh Bình Định đã đầu tư kinh phí mua và lắp đặt thêm nhiều hồ bơi di động. Một số địa phương như huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn tranh thủ nguồn lực từ xã hội hóa để có thêm những hồ bơi phục vụ việc dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn. Các trường học có hồ bơi ở tỉnh Bình Định đang nỗ lực để đưa môn dạy bơi thành môn giáo dục thể chất cho các em vào dịp hè.

Với hai bể bơi đạt chuẩn, Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định liên tục mở các lớp dạy bơi, tạo điều kiện cho các em rèn luyện sức khỏe, kỹ năng bơi lội, hạn chế tai nạn đuối nước. Ông Nguyễn Thành Thư, Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Bình Định cho biết:

“Các lớp dạy bơi được mở liên tục trong dịp hè để đáp ứng nhu cầu tăng cao, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các lớp dạy bơi đều có sự tham gia của đội ngũ giáo viên giáo dục thể chất, hướng dẫn viên là vận động viên, huấn luyện viên bơi lội chuyên môn tốt, có kinh nghiệm. Tham gia khóa học, trẻ em được trang bị lý thuyết cơ bản và thực hành các kỹ năng phòng, chống đuối nước như: Thả nổi, đứng nước, bơi ếch, bơi bướm, bơi sải… Giáo viên kết hợp vừa dạy vừa vui chơi, nhằm tạo động lực, khơi dậy niềm đam mê bơi lội cho trẻ”.

Bình Định là địa phương có số lượng ao, hồ khá lớn và bờ biển dài, mỗi dịp nghỉ hè, các em học sinh thường hay rủ nhau đi tắm biển, nô đùa sông suối. Vì vậy, nguy cơ xảy ra đuối nước rất cao. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có 24 trường hợp đuối nước, trong đó nhiều nhất là trẻ từ 10-14 tuổi. Thực hiện chủ trương “phổ cập bơi” cho học sinh, Sở đang phối hợp với các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hùng cho biết: Sở đã triển khai cho các đơn vị trực thuộc, trong đó có Trung tâm Bảo trợ xã hội, Tỉnh Đoàn tuyên truyền đến với trường học, ngăn ngừa các em không đến những nơi nguy hiểm, những công trình xây dựng có những hố nước sâu. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em; chỉ đạo các chủ dự án triển khai các công trình trên địa bàn phải có rào chắn những nơi nguy hiểm, cắm biển báo không cho các em đến những địa điểm này.

Qua tìm hiểu nguyên nhân những vụ đuối nước ở trẻ em, phần lớn nguyên nhân là do sự bất cẩn, thiếu giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ khi để trẻ tự do vui chơi ở những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ, vùng biển sóng lớn... Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể, quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm chăm lo của mỗi gia đình trong phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Nguyên Linh (TTXVN)
Bộ GD-ĐT phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước
Bộ GD-ĐT phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước

Ngày 10/6, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức phát động phong trào học bơi an toàn, phòng, chống đuối nước và khai mạc Giải Bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN