Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2014), hàng vạn du khách gần xa đã về nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa - Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình dâng hoa thành kính tri ân công lao to lớn của “người anh cả” của quân đội nhân dân Việt Nam.
Du khách về viếng Đại tướng. |
Từ lúc tờ mờ sáng cho đến tận tối mịt, từng đoàn người vẫn xếp hàng nối đuôi nhau vào viếng Đại tướng. Trong số đó, có khá nhiều người tuổi đã cao, có người là chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đã từng được gặp vị Tổng tư lệnh đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, nay chân đã chậm, mắt đã mờ nhưng vẫn cố gắng về Vũng Chùa để bày tỏ tình cảm của mình với Đại tướng.
Sau khi vào viếng, cụ Nguyễn Đình Hòa, 89 tuổi ở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Tưởng như tôi không thể đến được nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vì sức khỏe ngày càng yếu nên mọi người trong gia đình không cho đi. Nhưng khi biết rằng đó là tâm nguyện cuối cùng của tôi, các con, các cháu mới đồng ý.
Trong đoàn người đến viếng Đại tướng có những thương binh. |
Cựu chiến binh Trần Văn Tiết, 84 tuổi ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An giọng nói lạc đi vì xúc động, phải mất vài phút người lính Điện Biên năm xưa mới bình tâm để nói về câu chuyện cách đây đã hơn 60 năm. Ông Tiết kể, năm 1952 nhập ngũ, được biên chế về đại đoàn 308. Tháng 3/1954, đơn vị ông tham gia đánh chiếm đồi C1. Trận chiến diễn ra vô cùng ác liệt. Sau khi giải phóng Điện Biên, ông đã có dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những cử chỉ thăm hỏi ân cần và những lời dặn dò rằng hãy cố gắng phát huy tinh thần người lính cụ Hồ của Đại tướng đã trở thành phương châm sống trong suốt cuộc đời ông.
Hòa trong dòng người vào viếng Đại tướng, cô sinh viên Học viện Ngân hàng Hà Nội Lê Thị Huyền tự hào: Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự chiến đấu, hi sinh anh dũng của bộ đội và nhân dân, chúng ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược. Lê Thị Huyền tâm sự, cuộc sống giản dị, suốt đời cống hiến, hi sinh cho quê hương, đất nước của Đại tướng đã giành được tình cảm đặc biệt của đồng bào cả nước và là tấm gương quý giá cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Cô Trần Thị Khánh, giáo viên trường trung học phổ thông Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ, với mục đích giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, đồng thời giúp các em tích lũy thêm những bài học thực tế bổ ích, 70 học sinh đạt thành tích học tập tốt ở các khối lớp đã được trường cho đi tham quan về Vũng Chùa viếng Đại tướng. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì hoạt động về nguồn ý nghĩa này. Đây cũng là cách thức để khuyến khích các em thi đua học tập, rèn luyện và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.
Trung tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng đồn Biên phòng Roòn, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch - đơn vị được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh và đón tiếp du khách ở khu mộ Đại tướng cho biết, mỗi ngày có hàng vạn người đến viếng Đại tướng. Để đảm bảo an ninh, trật tự, đơn vị phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, Huyện đoàn Quảng Trạch tăng cường hàng chục chiến sĩ và cả trăm đoàn viên, thanh niên hàng ngày tham gia hướng dẫn du khách thực hiện các quy định của Ban Tổ chức như việc thực hiện xếp hàng, đi theo chiều quy định, giữ gìn trật tự và ăn mặc lịch sự khi vào viếng Đại tướng. Đây cũng là lực lượng nòng cốt trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng dẫn, sắp xếp ô tô, xe máy dừng, đỗ đúng nơi quy định…
Vũ Văn Đạt