Hướng tới phân loại rác tại nguồn

Việc phân loại rác từ nguồn có lợi ích rất lớn trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý. Tuy nhiên, do triển khai thiếu đồng bộ cho nên công tác này trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa phát huy được hiệu quả.


Còn nhiều khó khăn


Theo ước tính, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác, đợt cao điểm có thể lên đến 9.000 tấn và con số này sẽ còn tăng từ 7% - 15% từ nay đến năm 2020. Vì vậy nếu rác thải không được phân loại tốt từ nguồn để tăng tỷ lệ rác tái chế, sẽ gây áp lực rất lớn cho hoạt động xử lý rác thải, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.


Việc hoàn thiện đồng bộ trang thiết bị thu gom rác tại nguồn sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường từ các bãi rác chôn lấp.

 

Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh, phân loại rác tại nguồn là chương trình trọng điểm được thành phố rất quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để thực hiện tốt chương trình 3T (Tiết giảm - Tái chế - Tái sử dụng).


Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm được như các quốc gia khác, người dân đã hiểu rất rõ lợi ích của công tác phân loại rác từ nguồn, chính quyền có thể yêu cầu người dân phân loại rất kỹ các loại rác như rác thực phẩm, giấy vụn, các loại chai lọ và chất thải nguy hại đều để riêng... Ở Việt Nam mà cụ thể là TP Hồ Chí Minh, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân chưa cao, thói quen chưa tốt, kinh phí còn thiếu... nên rất khó thực hiện.


TP có hai đối tượng đi thu gom rác chính, đó là lực lượng thu gom rác dân lập và các đơn vị công ích quận, huyện. Tuy nhiên, cả hai lực lượng này do chưa được đầu tư đúng mức về trang thiết bị, nên rác thải sau khi được phân loại tại các hộ dân vẫn bị bỏ chung vào một thùng vận chuyển. Cũng do thiếu vốn, các nhà máy sản xuất compost, chế biến phân hữu cơ của TP chưa được xây dựng, nên rác sau khi phân loại vẫn bị đổ chung vào bãi chôn lấp.


Thực tế cho thấy, việc phân loại rác tại nguồn đã được triển khai thí điểm tại quận 5 và quận 6 cách đây gần 10 năm nhưng cũng bị thất bại chỉ vì lực lượng thu gom rác chưa được đầu từ đúng mức để thay mới và đồng bộ hóa các phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý.


Thực hiện đồng bộ


Theo ông Đào Anh Kiệt, trong thời gian tới, để việc phân loại rác tại nguồn được triển khai thành công và nhân rộng đến từng đối tượng, cần phải có lộ trình phù hợp. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống trang thiết bị như thu gom, vận chuyển và tái chế. Sắp tới TP đưa vào vận hành những nhà máy tái chế rác thải thực phẩm thành phân compost với công suất tiếp nhận khoảng 2.000 tấn rác/ngày và 1 nhà máy tái chế rác vô cơ thành dầu diesel sinh học... Ngoài ra, TP cũng khởi động lại chương trình phân loại rác tại nguồn theo hình thức chia nhỏ các giai đoạn với các mục tiêu khác nhau. Theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, chương trình sẽ triển khai chọn lọc trên một số đối tượng như các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao, các siêu thị lớn, các cơ quan trường học, các khu dân cư cao cấp và khu đô thị mới như Phú Mỹ Hưng và các chợ đầu mối... Đây là những đối tượng có điều kiện kinh tế, nhân sự và hạ tầng kỹ thuật được quy hoạch sẵn hệ thống thu gom riêng chất thải hữu cơ và chất thải còn lại, cho nên dễ dàng thực hiện và hình thành thói quen tự giác phân loại rác tại nguồn.


Đối với lực lượng thu gom rác, TP cũng sẽ tập trung đầu tư, đổi mới phương tiện chuyên chở cho các đơn vị công ích. Đặc biệt, lực lượng thu gom rác dân lập cũng được từng bước được sắp xếp lại theo hướng vận động vào các hợp tác xã. Khi các hợp tác xã này ổn định, TP sẽ nghiên cứu, xem xét các hình thức hỗ trợ.


Ông Kiệt cho biết thêm: “Để chương trình thực sự đi vào đời sống và thay đổi được thói quen của người dân, vẫn phải tập trung nâng cao ý thức của người dân về môi trường, để mọi người dân ai cũng hiểu phân loại rác tại nguồn giúp cho việc thu hồi, tái sử dụng, tái chế rác hiệu quả hơn, giúp giảm lượng rác thải hàng ngày, tiết kiệm ngân sách của TP trong việc thu gom vận chuyển, xử lý, giảm diện tích bải rác... Các cơ quan ban ngành cũng cần tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ dân, đơn vị về vấn đề này”.

 

Một đại diện của phòng Tài nguyên và Môi trường quận 5 cho biết, quận 5 là quận đầu tiên của TP được triển khai thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn thành 2 loại rác hữu cơ và vô cơ. Tuy nhiên, đến nay chương trình đã hoàn toàn thất bại vì khi thấy rác được phân loại trong gia đình xong, các lực lượng thu gom, xử lý lại đổ chung rác với nhau nên nhiều người dân đã bỏ cuộc.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN