"Hướng tới không còn người nhiễm HIV"

Đây là chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV năm 2011 và cũng là mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2020. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức.

1001 thách thức

Hiện nay, dịch HIV vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng. Ở nước ta, mỗi năm phát hiện hơn 10.000 người mới nhiễm HIV, khoảng 5.000 người chuyển sang AIDS và hơn 2.000 người tử vong do AIDS. Trong khi đó, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu.

Nhân viên y tế khám, điều trị cho người có HIV. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Theo ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, thách thức lớn nhất với quá trình hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm HIV chính là dịch HIV. Bởi lẽ, dịch bệnh này có đặc thù là lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua các hành vi không an toàn nên việc phòng, tránh là vô cùng khó khăn.

Hiện nay, nhận thức của người dân về phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế, còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn tiếp tục có hành vi nguy cơ cao, nhiều người nghiện chích ma túy vẫn dùng chung bơm kim tiêm, không ít phụ nữ bán dâm tiếp tục không dùng bao cao su khi hoạt động mại dâm… Ngay cả nhóm thanh, thiếu niên cũng chưa nhận thức đầy đủ về HIV/AIDS, chỉ có gần 50% hiểu đầy đủ về HIV.

Bên cạnh đó, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của chính ngành y tế đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Đó là hệ thống tổ chức phòng chống HIV/AIDS mới hình thành nên cần phải có thời gian để đào tạo, tổ chức lại lực lượng từ cấp trung ương đến thôn, bản. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nhân lực phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh đang thiếu hụt trên 50% so với nhu cầu, đặc biệt cán bộ trình độ đại học cũng chỉ đáp ứng 22% so với nhu cầu. Nhân lực cho tuyến huyện thiếu trầm trọng, mới chỉ có 18% số huyện có 1 cán bộ đại học làm chuyên trách về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Sự thiếu hụt về nhân lực đang là rào cản cho việc mở rộng chương trình điều trị và công tác giảm thiểu tác hại HIV/AIDS. Trong khi đó, số cán bộ có trình độ và kinh nghiệm được tuyển dụng tiếp tục ngày một ít đi, các cán bộ có kinh nghiệm và năng lực xin chuyển công tác ngày một nhiều hơn. Nguyên nhân do chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS rất hạn chế. Đây là một công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm cao, không có khả năng tăng thêm thu nhập nhưng trong cộng đồng vẫn giữ quan điểm kỳ thị đối với cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc điều trị bệnh nhân AIDS…

“Một thách thức rất lớn khác mà công tác phòng, chống HIV/AIDS đang phải đối mặt là thiếu nguồn lực tài chính. Gần đây, có những báo cáo nghiên cứu cho thấy, dự báo đến năm 2015, công tác phòng, chống HIV/AIDS của nước ta sẽ thiếu khoảng 150 triệu USD/năm”, ông Chu Quốc Ân chia sẻ thêm.

Tăng cường truyền thông, thay đổi hành vi


“Chỉ khi nào, những người nghiện, chích ma túy biết dùng bơm kim tiêm riêng trong mọi lần tiêm chích, những người bán dâm dùng bao cao su trong mọi lần quan hệ tình dục và tất cả mọi người dân đều biết cách phòng tránh và chủ động áp dụng các biện pháp tránh lây nhiễm HIV thì khi đó mới không có người nhiễm HIV mới”, ông Chu Quốc Ân nhấn mạnh.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS, trọng tâm là truyền thông thay đổi hành vi. Đồng thời, triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp giảm thiểu tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, tập trung vào nhóm có hành vi nguy cơ cao, nhóm dễ có khả năng bị lây nhiễm HIV; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cho người nhiễm HIV/AIDS; tạo điều kiện, khuyến khích người nhiễm HIV sống tích cực, chủ động hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội...

Đối với vấn đề tài chính, trong bối cảnh cần phải mở rộng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mà nguồn lực quốc tế suy giảm, thì các chuyên gia phòng, chống HIV/AIDS khẳng định chỉ có cách tăng cường nguồn lực tài chính từ Chính phủ, gồm cả nguồn lực từ chính quyền các cấp.

“Chúng tôi đang tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế để hoàn thiện rất nhanh hệ thống phòng, chống AIDS nhằm mục đích sớm nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động phòng, chống AIDS”, ông Ân khẳng định.

Phương Liên

Nguy cơ bùng phát dịch do quan hệ tình dục không an toàn
Nguy cơ bùng phát dịch do quan hệ tình dục không an toàn

Làm nghề tẩm quất - giác hơi rong, tôi cũng gặp một số người “mời mọc” quan hệ tình dục. Ví như, tôi đang đi ngoài đường thì có một phụ nữ (khoảng 40- 45 tuổi) kêu vào, tự cởi đồ ra và hỏi có quan hệ tình dục không.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN