Hợp tác liên kết vùng tạo cơ hội phát triển

Việc “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô (VTĐ) Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” nhằm phân công, hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

VTĐ đã có quy hoạch từ năm 2008, tiếp đó có quy hoạch về mở rộng VTĐ năm 2011. Phạm vi điều chỉnh quy hoạch VTĐ gồm toàn bộ ranh giới của Hà Nội với 9 tỉnh xung quanh, trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng thêm vào quy hoạch với tổng dân số 17,6 triệu người. Toàn bộ quy hoạch VTĐ sẽ có tổng diện tích trên 24.300 km2, tăng gần gấp đôi so với trước đây, chiếm 7,3% diện tích tự nhiên toàn quốc. Tầm nhìn VTĐ Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng đô thị lớn, có chức năng kinh tế tổng hợp không chỉ của quốc gia mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn, việc điều chỉnh nhằm đáp ứng 3 mục tiêu: Có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong vùng, đảm bảo phân bổ hiệu quả nguồn lực quốc gia; xây dựng đồng bộ, hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng và phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; đồ án điều chỉnh làm cơ sở để lập và điều chỉnh các quy hoạch khác và đề xuất cơ chế chính sách và mô hình quản lý vùng…

Hà Nội ngày càng mở rộng và phát triển.

Việc liên kết hợp tác VTĐ phù hợp với chủ trương của Hà Nội nhằm phát triển đồng bộ hệ thống giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường sắt cũng như phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, mạng lưới y tế, giáo dục, thương mại, các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Trong đó có ba lĩnh vực đang được Hà Nội hợp tác khá hiệu quả với các tỉnh, thành trong vùng là: Quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị; công nghiệp - thương mại - dịch vụ; nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Không chỉ phát triển kinh tế, các tỉnh, thành trong vùng còn mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác cùng phát triển về văn hóa - xã hội. Đặc biệt, Hà Nội đã huy động mọi nguồn lực, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải các tuyến cao tốc và giao thông liên tỉnh quan trọng như: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội - Hòa Lạc - Hòa Bình… nhằm tăng cường giao thương, thúc đẩy kinh tế Thủ đô và các tỉnh phát triển.

Với vị thế thuận lợi, Hà Nội tích cực trong việc giúp các tỉnh, thành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư tại Thủ đô; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khai thác và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông - lâm sản, tổ chức triển lãm giới thiệu sản phẩm; tăng cường liên kết, khai thác tiềm năng du lịch… Những nỗ lực của Hà Nội nhằm thể hiện tốt vai trò trung tâm, liên kết trong VTĐ.

Đẩy mạnh hợp tác liên kết vùng

Theo TS Hoàng Xuân Nghĩa, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội, hợp tác vùng là liên kết dựa trên cơ sở phân công lao động và khai thác các lợi thế để nâng cao hiệu quả đầu tư. Đơn cử như điểm yếu của sự hợp tác VTĐ trong lĩnh vực công nghiệp còn khá mờ nhạt, chủ yếu chỉ là các hoạt động đơn lẻ và tự phát từ phía doanh nghiệp, do sự thúc ép từ nhu cầu bức xúc của thực tiễn sản xuất kinh doanh, của yêu cầu tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng tồn kho.... Một trong những nguyên nhân là do hoạt động đầu tư phát triển mang tính dàn trải, thậm chí trùng lặp do thiếu sự liên kết, hỗ trợ nhau, gây lãng phí về nguồn lực và cạnh tranh thiếu lành mạnh… Do đó, để tăng cường hợp tác, liên kết VTĐ giai đoạn tới năm 2020 tầm nhìn 2030 cần sớm xây dựng hoàn thiện căn cứ pháp lý, thể chế cho hợp tác liên kết VTĐ. Trên cơ sở quy hoạch đó, Hà Nội rà soát lại phương hướng phát triển và phương án tổ chức không gian dài hạn cũng như cần tham khảo định hướng phát triển của vùng lớn và định hướng phát triển của các tỉnh bạn. Hà Nội cũng có thể chủ động đề xuất thành lập Hội đồng chỉ đạo hợp tác vùng và sau đó tiến tới thành lập Ban hợp tác VTĐ.

“Đối với lĩnh vực công nghiệp, Hà Nội tập trung phát triển các ngành công nghiệp hạ tầng và hình thành những khu vực làm chức năng công nghiệp vệ tinh cho Hà Nội, tạo ra một không gian công nghiệp hợp lý trên phạm vi vùng kinh tế lớn. Chẳng hạn, nổi bật là khu vực Vĩnh Phúc tập trung công nghiệp máy tính và phụ kiện, thiết bị quang học và linh kiện, lắp ráp ô tô. Bắc Ninh có thể là khu vực tập trung công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị nghe nhìn, thiết bị y tế, thực phẩm, nước giải khát. Hải Dương là khu vực tập trung công nghiệp cơ khí nông nghiệp và lắp ráp ô tô. Hưng Yên tập trung công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ xây dựng, sản xuất điện, may mặc…”, ông Hoàng Xuân Nghĩa cho biết.

Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, VTĐ có lợi thế lao động dồi dào, thu hút được nhiều vốn đầu tư, nhất là vốn FDI, có nhiều công ty đa quốc gia đặt văn phòng… Tuy nhiên, quản lý quy hoạch vùng còn nhiều bất cập. Đơn cử như chủ trương di dời các trường đại học từ Hà Nội ra chưa được thực hiện, tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng đều rất chậm trễ, tổng mức đầu tư thường bị đội lên cao…

Việc liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh sẽ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Đơn cử như dù khu vực này thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghiệp nhưng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm còn rất thấp do công nghiệp phụ trợ kém phát triển. Để khắc phục hạn chế này và đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 70 - 80%, Hà Nội có thể xúc tiến thu hút vốn đầu tư để phát triển các nhà máy khu vực phụ cận tham gia vào chuỗi liên kết dọc trong các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp ô tô xe máy, may mặc, giầy dép, vật liệu xây dựng, trang bị nội thất… “VTĐ khác với các vùng kinh tế khác ở chỗ có thành phố trung tâm là cực tăng trưởng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Liên kết giữa thành phố trung tâm với các tỉnh trong vùng giúp tăng cường lợi thế cạnh tranh của toàn vùng”, ông Phạm Sĩ Liêm đề xuất.
PV
Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
Điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030

Ngày 3/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Báo cáo đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN