Hơn 400 vi phạm về kinh doanh gas

Gas là một mặt hàng rất quan trọng, song việc quản lý mặt hàng này thời gian qua thì chưa thực sự khiến người tiêu dùng yên tâm.

Vi phạm vẫn tràn lan

Trong buổi tọa đàm “Hướng tới thị trường gas minh bạch, an toàn” do báo Công Thương tổ chức hôm qua (19/9) tại Hà Nội, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay, QLTT đã xử lý hơn 400 vụ, phạt hành chính 2 tỷ đồng, tịch thu một lượng lớn tang vật gồm hơn 15.000 bình gas, hơn 20.000 bình gas mini và nhiều dụng cụ sang chiết ga trái phép.


Theo ông Lam, dù phát hiện nhiều vụ việc nhưng nhìn chung, tình trạng sang chiết gas trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng làm ăn phi pháp ngày càng tinh vi, thay đổi phương thức hoạt động để trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng như: sang chiết gas ở vùng ven đô hẻo lánh, sang chiết bằng dụng cụ tự chế… Việc sang chiết gas trái phép sẽ gây tác hại nhiều mặt. Người tiêu dùng bị thiệt thòi do không dùng gas đúng chất lượng. Doanh nghiệp làm ăn chân chính bị thiệt hại còn Nhà nước thì thất thu thuế. Đặc biệt là còn gây mất an toàn cháy nổ.


Ngoài những vi phạm về sang chiết gas trái phép thì độ an toàn của các vỏ bình gas cũng khiến người tiêu dùng lo lắng. Vỏ bình gas bị các đại lí kinh doanh hoán đổi hoặc làm giả sẽ đe dọa an toàn và tính mạng của người sử dụng. Thông tư 41/2011/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/2/2012 đã quy định: Các cơ sở sản xuất, sửa chữa vỏ chai gas phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sửa chữa. Theo đó, Chi hội Gas Miền Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ phải công khai các cơ sở sản xuất, sửa chữa vỏ chai đủ điều kiện để việc giám sát của các công ty gas được thuận tiện nhưng vẫn chưa được đáp ứng.


Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Dũng, Cục An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, khi ban hành giấy chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện đều gửi cho các đơn vị chức năng như Cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Sở Công Thương. Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử để đưa những thông tin này lên trang web của Bộ Công Thương.


Chưa quyết liệt trong xử lý


Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam cho rằng, việc xử lý vi phạm tại một số địa phương vẫn chưa nghiêm, chỉ xử phạt hành chính các trạm sang chiết gas trái phép vài ba chục triệu đồng nên sau đó, vì lợi nhuận, họ lại tiếp tục sang chiết trái phép. Theo bà Mẫn, với những vi phạm này có thể áp dụng Nghị định 08/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vì văn bản này có hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện sản xuất hàng giả nên sẽ có tác dụng răn đe cao hơn.


Theo ông Đỗ Thanh Lam, mặt hàng gas liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Cục QLTT chú trọng kiểm soát gas, coi đây là mặt hàng trọng điểm.


Tuy nhiên, ông Lam cũng thừa nhận một số khó khăn trong xử lí các vi phạm về sản xuất, kinh doanh gas trái quy định. Về chức năng, lực lượng QLTT chỉ có chức năng kiểm tra vi phạm hành chính. Khi có dấu hiệu hình sự, Cục sẽ chuyển đến cơ quan công an.


Hiện nay, có quá nhiều đơn vị kinh doanh gas. Việc đăng ký kinh doanh quá dễ dàng đã làm nảy sinh nhiều gian lận thương mại, ảnh hưởng đến các thương hiệu có uy tín và quyền lợi của người tiêu dùng. Do vậy, nếu siết chặt việc cấp phép kinh doanh gas và quản lý, xử lý mạnh tay các vi phạm thì sẽ làm thị trường gas lành mạnh hơn. Ông Trần Trọng Hữu, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam chia sẻ: “Tôi thấy không có nước nào trong khu vực Đông Nam Á mà thị trường kinh doanh gas lại lộn xộn như ở Việt Nam. Đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, liên quan đến tính mạng của người sử dụng mà việc cấp phép lại quá dễ dàng, chỉ 1 ngày là có giấy cấp phép”.


Hoàng Dương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN