Hội thảo về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Sáng 9/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Hội Thủy lợi Việt Nam tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36- KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Chú thích ảnh
TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ m3/năm. Với hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ m3. Tuy nhiên, nguồn nước của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thay đổi chế độ dòng chảy; phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ… Thời gian qua, Nhà nước đã bố trí gần 16.000 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa. Tuy vậy, vẫn còn đến 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp, chưa được sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần xử lý cấp bách.

Trong thời gian tới, nếu không có giải pháp đột phá, Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất an ninh nguồn nước và mất an toàn đập, hồ chứa nước, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hội thảo này là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn sẽ cung cấp thông tin, luận cứ khoa học góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị. 

Khái quát kế hoạch thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị, Tiến sỹ Lê Hùng Nam, Tổng cục Thủy lợi cho biết, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, hệ thống pháp luật, chính sách về bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước tiếp tục được hoàn thiện, nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngành nước được tăng cường. Công tác điều tra cơ bản, quy hoạch liên quan đến nguồn nước được quan tâm; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, chấp hành pháp luật về tài nguyên nước, thủy lợi, phòng, chống thiên tai được thực hiện thường xuyên. Hợp tác quốc tế được mở rộng, nhất là với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam, trong khai thác sử dụng, hiệu quả, bền vững nguồn nước xuyên biên giới.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Bộ Chính trị đánh giá công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác quản trị nguồn nước của Việt Nam còn yếu, chưa hiệu quả, ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao, ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
TS Lê Hùng Nam - Tổng cục thủy lợi tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại Kết luận 36-KL/TW, Bộ Chính trị yêu cầu triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, cụ thể như: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm đồng bộ, khả thi; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước...

Đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: tài nguyên nước của nước ta phân bố không đều trong năm và giữa các năm, giữa các vùng miền khác nhau của đất nước, hầu hết các loại hình thiên tai đều liên quan đến nước. Do đó, công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai không thể tách rời nhau, cũng như không thể tách rời quản lý tài nguyên nước với việc lập các chương trình phát triển, điều hòa lại nguồn nước mặt, nước ngầm và phòng, chống giảm nhẹ thiên tai (lũ, lụt, úng, hạn, sạt lở đất, xâm nhập mặn…) và khai thác, sử dụng nước để cung cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và các nhu cầu cho dân sinh ở cả nông thôn và thành thị.

Thực tế đã chứng minh không thể đề ra được những biện pháp, những kế hoạch thủy lợi trong nhiều năm nhằm chống lũ, lụt, hạn hán, cấp nước đô thị và dân sinh của Đồng bằng sông Hồng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng và đầy đủ lưu vực sông Hồng, lưu vực Lô – Gâm. “Nếu thống nhất về một đầu mối sẽ không tạo ra sự chồng chéo và khoảng trống, Nhà nước có thể giảm số cán bộ làm công tác quy hoạch (khoảng 300 -400 người) ở Trung tâm quy hoạch và điều tra nước ở Bộ Tài nguyên và Môi trường; giảm kinh phí đầu tư cho hai quy hoạch song song là quy hoạch tài nguyên nước và quy hoạch thủy lợi”, Giáo sư, Tiến sỹ Đào Xuân Học đề xuất.

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học còn thảo luận một số nội dung như: định hướng về phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu ở miền Trung; an ninh nguồn nước ở Nghệ An, thách thức và giải pháp; phát triển bền vững hạ tầng thủy lợi, đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa....

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN