Hồi âm bạn đọc: Về việc tính thâm niên nhà giáo

Thưa quý báo, tôi là Lý Ngọc Minh, công tác tại trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Xin có vài thắc mắc về việc tính thâm niên nhà giáo, nhờ quý báo giải đáp giúp:


1. Theo điều 2, TTLT 68 về việc tính thâm niên nhà giáo thì đối tượng là công tác trong ngành thanh tra, kiểm lâm … cũng được tính là thời gian hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Vậy trước đây, tôi công tác trong ngành kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương), sau đó chuyển về trường ĐH thì thời gian công tác tại Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và sau đó là Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp có được tính là thời gian được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo và tính thời gian xét tặng danh hiệu NGƯT hay không?


Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương) và các Trung tâm Kiểm định trực thuộc Cục cũng có chức năng huấn luyện, đào tạo.


2. Thời gian thỉnh giảng (liên tục, đủ số giờ quy định) cho các trường ĐH có được tính là thời gian giảng dạy hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo và tính thời gian xét tặng danh hiệu NGƯT hay không?


Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bùi Mạnh Nhị trả lời như sau:


1. Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2011/NĐ-CP) và Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang,


Tại Điểm c, Khoản 1 Điều 2, Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH,ngày 30/12/2011 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP, quy định: Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có), được cộng dồn với thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập và thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập) để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.


Hiện không có quy định về việc áp dụng phụ cấp thâm niên đối với ngành kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Cục Kiểm tra, giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp thuộc Bộ Công Thương như thư bạn hỏi). Do đó, thời gian bạn công tác ở Cục không được cộng vào để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo và cũng không tính thời gian xét tặng danh hiệu NGƯT.


2. Theo Khoản 1 Điều 7 và Khoản 1 Điều 9 của Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục, ban hành kèm theo Thông tư số 44 /2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng thỉnh giảng là hợp đồng vụ, việc.

Việc giao kết, thực hiện, sửa đổi, chấm dứt hợp đồng thỉnh giảng thực hiện theo các quy định tại Mục 7 Chương XVII Bộ luật Dân sự. Không thực hiện hợp đồng lao động đối với hoạt động thỉnh giảng của cán bộ, công chức, viên chức. Trong hợp đồng thỉnh giảng phải có điều khoản nhà giáo thỉnh giảng cam kết bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ ở nơi mình công tác; nhà giáo thỉnh giảng được hưởng tiền công, tiền lương, quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng thỉnh giảng và theo quy định của pháp luật.


Từ quy định trên, đối với nhà giáo thỉnh giảng là cán bộ, công chức, viên chức, thời gian thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục không tính là thời gian giảng dạy, giáo dục để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.


Theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 9 của Quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục, nhà giáo thỉnh giảng được xét tặng các danh hiệu, được xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó giáo sư theo quy định của pháp luật; được cơ sở thỉnh giảng đánh giá, xếp loại, khen thưởng nếu có thành tích trong hoạt động giáo dục, đào tạo theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN