Học sinh với mạng xã hội - Bài 1: Muôn mặt của mạng xã hội

Nhiều năm trở lại đây, Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã cung cấp một lượng lớn thông tin, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cuộc sống, công việc, giải trí cho con người. Tuy nhiên, tác hại và hệ lụy kéo theo cũng không ít nhất là với những ai sử dụng mạng xã hội quá đà hoặc thiếu hiểu biết.

Do vậy, người dùng cần tỉnh táo, nhận diện được thông tin thật, giả để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi. Đặc biệt, với thế hệ trẻ, khi trình độ nhận thức còn non nớt, thiếu kinh nghiệm cuộc sống thì việc sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội cần phải được hướng dẫn, định hướng về văn hóa ứng xử.

Chú thích ảnh
Mạng xã hội cung cấp một lượng lớn thông tin, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ cuộc sống, công việc, giải trí cho con người. Ảnh: TTXVN

Nhiều tiện ích

Sự cần thiết của mạng xã hội trong thời đại hiện nay, nhất là đối với học sinh, sinh viên là không thể phủ nhận. Có rất nhiều chương trình học trực tuyến hữu ích, giúp học sinh mở rộng kiến thức trong khi có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Sự tiện dụng của máy tính, điện thoại khi truy cập mạng xã hội cũng giúp ích rất nhiều cho việc trao đổi thông tin giữa nhiều đối tượng cả trong nước và quốc tế.

Nhiều phụ huynh cho biết đã mua điện thoại và máy tính cho con khi con học lên bậc Trung học cơ sở, thậm chí nhiều em có riêng một máy tính xách tay ngay từ bậc Tiểu học. Học sinh cả nước không còn xa lạ với chương trình thi giải Toán qua mạng Violympic. Ở chương trình này, các học sinh được cọ xát, thử sức và khẳng định mình thông qua các bài thi và xếp hạng. Nhiều học sinh đã có được niềm đam mê Toán học từ việc tham gia giải các bài toán qua mạng.

Học tiếng Anh với người nước ngoài qua mạng cũng đang là một phong trào nhiều phụ huynh lựa chọn cho con. Chỉ cần một máy tính có nối mạng Internet và một chỗ ngồi yên tĩnh, nhiều học sinh đã có cơ hội được rèn luyện khả năng giao tiếp với các giáo viên nói tiếng Anh chuẩn bản địa.

“Học tiếng Anh với giáo viên trong nước tốt về mặt ngữ pháp, nhưng tôi vẫn muốn rèn cho con về kỹ năng giao tiếp và cách phát âm chuẩn, đặc biệt là khả năng phản xạ trong hội thoại thì cần phải học thêm giáo viên nước ngoài bằng hình thức online”, chị Nguyễn Thu Phương (Long Biên, Hà Nội) đã lựa chọn hình thức học tiếng Anh cho con gái đang học lớp 5 như vậy.

Chưa kể đến ngày càng nhiều các nhóm, các trang trên mạng xã hội giúp học sinh tra cứu bài giảng mà không phải trả một đồng học phí nào. Cách học theo nhóm cũng nhận được rất nhiều thuận lợi khi các thành viên trong nhóm có sử dụng mạng xã hội.

Nhưng không ít hệ lụy
 
Tiện ích của mạng xã hội là thiết thực, tuy nhiên, mặt trái của nó cũng không ít mà thực tế thời gian qua có nhiều việc đau lòng đã xảy ra. Ngày càng có nhiều thông tin thông báo những trẻ ở lứa tuổi học sinh phổ thông bị mất tích với nhiều nguyên nhân như khi xin đi sinh nhật bạn, sau khi đi học về hoặc sau vài dòng tin nhắn trên mạng xã hội.

Loại trừ một số vụ việc đau lòng, có khá nhiều em được “tìm thấy” chỉ sau một vài ngày. Thông tin phản hồi thường rất khéo léo, nhưng gần như ai cũng hiểu, nhiều em gái bị bạn quen qua mạng xã hội rủ đi chơi hoặc bị lừa đảo, bị xâm hại và hậu quả rất đau lòng.

Thủ đoạn các đối tượng xấu thường sử dụng là dùng tên và hình ảnh đại diện giả mạo, tạo thông tin nhân thân tốt để kết bạn, làm quen với các nữ sinh độ tuổi mới lớn. Với tài ăn nói lưu loát, hoạt ngôn, nhiều cô gái trẻ sau nhắn tin qua lại thì khó thoát khỏi cạm bẫy mà đối tượng giăng sẵn.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, các vụ việc không chỉ xảy ra với các nữ sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ, mà còn xảy ra ngay cả với những gia đình hạnh phúc, kinh tế ổn định.

“Có những học sinh chuyển biến rất nhanh và bất ngờ, cả gia đình và nhà trường đều rất khó lường, đôi khi rơi vào thế bị động. Các em thay đổi từ đối tượng giao du, lời ăn tiếng nói, lén sử dụng mỹ phẩm, chú trọng vào vẻ bề ngoài và việc học hành cũng sa sút rất nhanh”, cô Nguyễn Thị Thu Thanh, giáo viên Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Tại một trường Trung học cơ sở khu vực nội thành Hà Nội, chỉ đến khi cơ quan công an đến làm việc với ban giám hiệu, lúc đó cả phụ huynh và ban giám hiệu mới giật mình bởi học sinh vướng vào chuyện mua bán tiền giả trên mạng lại có học lực khá tốt, bề ngoài chững chạc, điềm tĩnh.

Qua hỏi chuyện, học sinh này mới thừa nhận bị rủ rê, lôi kéo khi tham gia một group trên Facebook. Nguy hiểm hơn, học sinh này đã mời thêm khoảng chục bạn trong lớp cùng tham gia để có tiền tiêu xài và chơi điện tử.

Đến bây giờ, chị Nguyễn Lê Hiền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), có con gái học lớp 10 vẫn còn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng tột độ khi đọc những dòng tin nhắn từ điện thoại của con khi con gái chị rủ các bạn trong lớp đánh hội đồng một đứa vì “nó chảnh, nó kênh”.

“Lúc ấy cháu học lớp 7, luôn được cô giáo chủ nhiệm đánh giá là ngoan ngoãn, dịu dàng. Khi vụ việc bị phát hiện và được ngăn chặn, tôi và một vài phụ huynh khác còn mất khá nhiều thời gian để giảng giải, phân tích về hành vi và những hậu quả sẽ xảy ra. Các cháu khăng khăng bảo vệ quan điểm vì cho rằng, các cháu đọc trên mạng và thấy tự mình xử lý vấn đề, không nên tìm sự trợ giúp của người lớn là cách tốt nhất”, chị Nguyễn Lê Hiền kể lại.

Vẫn biết cái gì cũng có hai mặt: Lợi và hại. Tuy nhiên, với sức hấp dẫn của mạng xã hội, cái hại dễ dàng bị xem nhẹ khi học sinh chưa đủ nhận thức để phân biệt và sàng lọc thông tin. Điều này dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề dù nguyên nhân từ một thế giới ảo.

Bài 2: Thế giới ảo, hậu quả thật

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Học sinh với mạng xã hội - Bài 2: Thế giới ảo, hậu quả thật
Học sinh với mạng xã hội - Bài 2: Thế giới ảo, hậu quả thật

Mạng xã hội hiện nay như đời sống xã hội thứ hai của phần lớn học sinh phổ thông. Thế giới mạng là ảo nhưng ảnh hưởng của nó tới học sinh là thật. Trong khi đó, sự quan tâm, định hướng của nhà trường và gia đình còn khá mờ nhạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN