Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Hội nghị có 5 phiên họp (2 phiên toàn thể và 3 phiên kỹ thuật) với hơn 20 báo cáo từ các nền kinh tế để chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các công nghệ mới để ứng phó với thiên tai.
“Bình thường mới”, khái niệm được sử dụng để phản ánh tình hình thiên tai hiện nay ngày càng trở nên phức tạp hơn và không thể dự đoán trước cả về tần suất, cường độ và mức độ tàn phá.
Hội nghị nhận định, các hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ. Công tác phòng, chống thiên tai cần có kế hoạch tổng thể trên cơ sở các nguồn thông tin đa chiều.
Hoạt động phòng, chống thiên tai cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương, đảm bảo phát triển bền vững và tránh gây ra những rủi ro mới, trong đó đặc biệt cần tăng cường vai trò, sự tham gia khối tư nhân và cả cộng đồng.
Hội nghị cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp trong công tác điều hành ứng phó thiên tai được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn tại các nền kinh tế, gồm cả giải pháp cứng và giải pháp mềm.
Đặc biệt là những thành công về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác phòng ngừa và kiểm soát thiên tai, nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này.
Hội nghị đã cơ bản thông qua Bản khuyến nghị Vinh gồm 11 điểm của Hội nghị các quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 để trình lên Hội nghị cấp cao của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, tập trung vào một số vấn đề chính sau:
Triển khai những giải pháp khoa học, công nghệ mới để hỗ trợ quá trình ra quyết định trong công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng giảm thiểu các tác động của hiện tượng thiên tai "Bình thường mới", nhất là xói mòn bờ sông/bờ biển, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, siêu bão, động đất, xâm nhập mặn.
Ưu tiên đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Cùng với đó là tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đặc biệt là tại cấp cơ sở.
Tăng cường hợp tác xuyên APEC của các nền kinh tế về chia sẻ kiến thức về giảm thiểu rủi ro thiên tai để thực hiện Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai phù hợp với các vấn đề an ninh lương thực, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, kế hoạch kinh doanh liên tục và giới.
Hội nghị cũng xem xét tiến độ ứng dụng công nghệ tiên tiến để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp một cách có hiệu quả theo chương trình nghị sự năm 2018 của EPWG và các cuộc họp liên quan khác.
Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ trên tinh thần tự nguyện của các nền kinh tế. Đặc biệt nhấn mạnh tăng cường hợp tác của khối tư nhân, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và khối cộng đồng trong phòng chống thiên tai.