Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về những nội dung liên quan.
Năm 2022, nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chọn thông điệp "Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”, ông có thể nói rõ hơn về chủ đề này?
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay cũng là cơ hội để những người trẻ tìm hiểu cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể hỗ trợ các mục tiêu và biến ý tưởng của họ thành hiện thực; đồng thời tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thanh niên dẫn dắt. Nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ mà chúng ta có được những sản phẩm thông minh, tiện lợi, có được các loại thuốc đặc trị những bệnh hiểm nghèo... Tuy nhiên, một điều không thể phủ định là để có được những thành tựu đó không thể không thiết lập một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả. Quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng và bảo hộ một cách thỏa đáng sẽ khuyến khích được hoạt động đổi mới sáng tạo và bảo đảm sự phát triển bền vững.
Chủ đề năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đưa ra rất có ý nghĩa và phù hợp với bối cảnh của năm nay, khi mà cả thế giới đang phải gồng mình đối mặt với những khó khăn của đại dịch COVID-19, không ai khác - thế hệ trẻ nói chung là những người phải tạo ra sự thay đổi, dám đương đầu và dám chấp nhận thách thức để làm chủ tương lai. Những người trẻ ngày nay lớn lên trong một thế giới kết nối với điện thoại di động và Internet, nơi ranh giới giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số bị xóa nhòa. Điều này đã định hình nên một thế hệ được cho là có tinh thần kinh doanh, đổi mới và sáng tạo nhất, từ đó tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn.
Cục Sở hữu trí tuệ đề ra những kế hoạch, hành động gì để hỗ trợ thế hệ trẻ Việt Nam trong hoạt động sở hữu trí tuệ, thưa ông?
Bên cạnh nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ luôn dành sự quan tâm nhất định tới giới trẻ từ khá sớm trong việc nâng cao nhận thức cũng như tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.
Tiếp nối những hoạt động từ nhiều năm trước, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục tăng cường phối hợp với các trường đại học trong hoạt động đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ từ cơ bản đến nâng cao cho sinh viên nhằm tuyên truyền rộng rãi về sở hữu trí tuệ và tạo sân chơi cho các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu chuyên sâu hơn thông qua các cuộc thi về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp. Cục sẽ hỗ trợ, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dự án tham dự cuộc thi và thông qua gian hàng tư vấn tại sự kiện triển lãm về khoa học và công nghệ như Techfest…
Cục Sở hữu trí tuệ cũng chú trọng hơn trong áp dụng các hình thức tiên tiến, khoa học công nghệ hiện đại trong công tác tập huấn đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các nhóm chủ thể trong đó có giới trẻ. Ví dụ, sau một năm triển khai, Cổng thông tin đào tạo trực tuyến của Cục đã tổ chức 4 khóa học trực tuyến, thu hút hàng ngàn lượt bạn trẻ quan tâm tham gia và có những phản hồi tích cực.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn trẻ cần phải có sự chủ động tích cực tham gia và luôn có tinh thần học hỏi thì những kế hoạch, hành động từ phía các cơ quan nhà nước như Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang triển khai mới thực sự hiệu quả.
Nhằm tạo ra một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ hay còn gọi là xây dựng một mạng lưới các tổ chức sở hữu trí tuệ của các viện, trường đại học, Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện những hoạt động cụ thể nào, thưa ông?
Từ năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ bắt đầu triển khai xây dựng mô hình Trục xoay và Nan hoa thuộc Dự án Khởi tạo môi trường Sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. “Trục xoay” đóng vai trò là điểm trung tâm liên lạc và phối hợp trong các hoạt động và quy trình liên quan đến Dự án ở cấp quốc gia. “Nan hoa” là các viện nghiên cứu, các trường đại học được lựa chọn tham gia vào mạng lưới.
Đến nay, dự án tại Việt Nam đã thực hiện được nhiều hoạt động hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu như: Hỗ trợ, hướng dẫn trường, viện xây dựng quy chế nội bộ về sở hữu trí tuệ, tổ chức lớp tập huấn từ việc xác lập (tra cứu thông tin sở hữu công nghiệp, viết bản mô tả sáng chế...) cho đến thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ cho các trường, viện tham gia dự án. Tuy nhiên, để có thể tạo ra một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ hoàn thiện cho các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc thì vẫn còn là một con đường dài phía trước.
Thời gian gần đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ký kết Bản ghi nhớ với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về hợp tác triển khai Dự án Khởi tạo môi trường Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Cục đã thành lập Ban điều phối Mạng lưới các Trung tâm Hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) và Trung tâm sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (IP-HUB), xây dựng chuyên mục về Mạng lưới TISC và IP-HUB để tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Cục.
Ban điều phối Mạng lưới TISC và IP-HUB đặt tại Cục Sở hữu trí tuệ có chức năng chính là điều phối mạng lưới; xây dựng và phát triển các kênh kết nối, truyền thông; đào tạo, tuyên truyền, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn, hỗ trợ cho các thành viên trong mạng lưới; nghiên cứu, đề xuất các vấn đề về cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho phát triển mạng lưới.
Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức được hàng chục khóa tập huấn về tra cứu thông tin và viết bản mô tả sáng chế cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB; hằng tháng mở các lớp tập huấn miễn phí tại Thư viện Cục cho mọi đối tượng có nhu cầu tham gia, duy trì đều đặn từ năm 2016 đến nay.
Đáng kể, trong năm 2019, chương trình tập huấn cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB lần đầu tiên được tổ chức một cách bài bản với 10 mô-đun tập huấn chuyên sâu cho các thành viên ở cả khu vực Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng như các cán bộ có kinh nghiệm của Cục Sở hữu trí tuệ đã góp phần đem lại thành công cho 10 mô-đun tập huấn.
Tiếp nối thành công năm 2019, trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức được 5 mô đun tập huấn cho các thành viên Mạng lưới TISC và IP-HUB. Chương trình tập huấn theo mô-đun này sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo để đảm bảo duy trì kết nối và nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ của các đơn vị tham gia Mạng lưới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài trong 2 năm 2020 và 2021, các hoạt động đào tạo, tập huấn trực tuyến tiếp tục được triển khai để đảm bảo duy trì kết nối giữa các thành viên.
Cụ thể, Cục đã xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp hằng năm với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tham gia. Trong những năm tới, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tiếp tục phối hợp với Cục triển khai Chương trình cố vấn từ xa về thương mại hóa công nghệ và chương trình tư vấn xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ cho một số viện, trường thành viên. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ mở rộng triển khai các hoạt động hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để tạo mạng lưới hoạt động sở hữu trí tuệ hiệu quả.
Trân trọng cảm ơn ông!