Theo Điều 32 của Bộ luật Hình sự năm 2015, tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người phạm tội có thể bị tù có thời hạn tối thiểu là 3 tháng và tối đa 20 năm (đối với các trường hợp tổng hợp hình phạt thì người phạm nhiều tội có thể bị phạt tù đến 30 năm). Sau thời gian này, họ được trở về và hòa nhập với cộng đồng.
Thông tư 44/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, người chấp hành xong hình phạt tù sẽ được hỗ trợ tối đa trong việc tìm kiếm việc làm gồm: được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; vay vốn đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thông tư này đã hết hiệu lực. Chính phủ ban hành các quy định mới về đào tạo nghề nghiệp, tạo việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tại Điều 11 thuộc Nghị định 49/2020/NĐ-CP gồm: Người mới ra tù được tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; miễn, giảm học phí; hưởng chính sách nội trú và được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại. Các đối tượng không thuộc trường hợp nói trên thì sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề nghiệp; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí…
Tiếp đó, Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn của Nhà nước ta đối với những người lầm lỡ. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho người chấp hành xong án phạt tù không chỉ là một biện pháp tài chính mà là một phần của một chiến lược toàn diện nhằm tạo điều kiện cho người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương.
Mới đây nhất, Bộ Công an ban hành Thông tư số 10/TT-BCA quy định về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù của lực lượng Công an nhân dân. Một trong những nội dung của Thông tư này là: Công an cấp xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội cấp xã để tham mưu với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lựa chọn tổ chức chính trị - xã hội… thực hiện quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ; đảm bảo mỗi một người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá phải có một tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng.
Tái hòa nhập cộng đồng cho người đã chấp hành xong hình phạt tù là quá trình trang bị kiến thức văn hóa, nhận thức pháp luật, tâm lý, kỹ năng nghề nghiệp được bắt đầu từ khi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cho đến khi họ đã thật sự trở về với cuộc sống xã hội nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để sớm ổn định cuộc sống.
Việc tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong hình phạt tù thường diễn ra khó khăn, phức tạp, chịu sự ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Các yếu tố này mang nhiều hay ít tính tích cực sẽ quyết định tiến trình tái hòa tốt hay không.
Môi trường trại giam ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý tích cực hay tiêu cực của người mãn hạn tù như thái độ, cách giáo dục, cư xử của đội ngũ quản giáo, những phạm nhân xung quanh. Cán bộ quản giáo có phương pháp giáo dục tốt, quan tâm đến phạm nhân, hoặc những người cùng hoàn cảnh biết động viên nhau thì người mãn hạn tù có chỗ dựa tinh thần trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Sự quan tâm của gia đình rất quan trọng không chỉ khi người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng mà trong suốt quá trình thụ án. Việc thăm nuôi, động viên của người thân tạo động lưc lớn để phạm nhân cải tạo tốt, Khi phạm nhân mãn hạn tù thì tình thương, sự cảm thông là liều thuốc đặc trị chống lại sự mặc cảm, tự ti, buông xuôi.
Người mãn hạn tù cũng rất cần sự cảm thông, vị tha của cộng đồng để vượt qua rào cản tâm lý, hoàn lương thành công.
Việc người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng không thể thiếu sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể.
Tuy nhiên, nghị lực, quyết tâm vươn lên của bản thân người mãn hạn tù quyết định chính đến sự thành, bại của quá trình tái hòa nhập cộng đồng.
Theo các chuyên gia về tội phạm học, trước khi tái hòa nhập cộng đồng, người chấp hành xong hình phạt tù được xếp thành các nhóm: Nhóm cải tạo tốt (có tâm tính của người lương thiện); Nhóm cải tạo vừa phải (còn một số thói hư, tất xấu); Nhóm không chịu cải tạo (vẫn giữ nguyên bản chất của tội phạm).
Việc người mãn hạn tù có hoàn lương được hay không phụ thuộc nhiều vào rào cản nằm trong chính bản thân họ - thuộc nhóm được cải tạo tốt hay kém khi còn trong trại giam. Điều này giải thích vì sao có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tái phạm giữa những người ra tù thông thường với các đối tượng được đặc xá.
Từ năm 2009 đến nay, Nhà nước ta đã tiến hành 9 đợt đặc xá lớn, tha tù trước thời hạn cho hơn 92.000 phạm nhân. Đó là những người thuộc nhóm cải tạo tốt. Theo số liệu của Bộ Công an, tỷ lệ người được đặc xá sau đó tái phạm tội rất thấp (tính đến ngày 14/8/2024 chỉ có 2 người được đặc xá năm 2022 tái phạm tội, tức 0,08% trong tổng số 2.438 người được đặc xá cùng năm).
Trong khi đó, tỷ lệ tái phạm của những người mãn hạn tù thông thường cao hơn nhiều - Quyết định số 623/QĐ-TTg của Thủ tướng (ngày 14/4/2016) phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu “đến năm 2020 phải giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%”.
Việc tái hòa nhập cộng đồng thành công rất có ý nghĩa không chỉ đối với bản thân người lầm lỡ và gia đình mà cả đối với địa phương, xã hội – giảm tỷ lệ tội phạm, tăng sự đóng góp đối với nền kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.