Hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, thiên tai xảy ra trong 2 ngày 20-21/7 (tính đến 20 giờ ngày 21/7) đã làm 5 người thương vong, gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.

Chú thích ảnh
Chiều 20/7/2024, một vụ sạt lở tiếp tục xảy ra trên Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng khiến tuyến đường này ách tắc và 1 người thiệt mạng, 1 người bị thương. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, trên Quốc lộ 27, đoạn qua địa bàn xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) đã xảy ra sạt lở khiến một người tử vong, một người bị thương.

Mưa dông tại tỉnh Bạc Liêu đã làm 3 người bị thương (do cây đổ vào người) tại ấp Thạnh Trị, xã Long Điền.

Đêm 20, rạng sáng 21/7, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa lớn kéo dài, sạt lở đất gây thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp và hệ thống giao thông. 

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và  tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa lớn, sạt lở đất gây thiệt hại 13 ngôi nhà dân ở các huyện Trấn Yên, Mù Cang Chải và Yên Bình; trong đó có 9 ngôi nhà bị sạt lở đất đá vào, 3 nhà bị ngập úng và 1 nhà bị tốc mái. Ngoài ra, giao thông trên tuyến Quốc lộ 32, đoạn từ UBND xã Cao Phạ đến đỉnh đèo Khau Phạ (từ km259+100+Km269+300) có 9 vị trí bị sạt lở với khoảng 2.100m3 đất đá, gây chia cắt giao thông; sạt lở ta-luy dương với khối lượng khoảng 100m3 đất đá tại tuyến đường thôn Hạnh Phúc, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên đi xã Đại Sơn...

Tại tỉnh Lào Cai, mưa lớn làm thiệt hại 2 ngôi nhà (xã Thẳm Dương, huyệnVăn Bàn và xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa); 0,584 ha lúa và quế bị ảnh hưởng, thiệt hại. Quốc lộ 4 có 1 điểm sạt lở ta-luy dương tại km 127+700 xã Cốc San, thành phố Lào Cai; đường tỉnh ĐT.152 sạt lở một số vị trí ở km 23+700 và 23+800.

Có 7 tuyến đường huyện, xã bị sạt lở gồm: Tuyến đường thôn Sim San - Hồng Ngài (huyện Y Tý – Bát Xát); tuyến đường Dương Quỳ - Nậm Chày (huyện Văn Bàn); tuyến đường Nậm Miện, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn); tuyến đường xóm Dao và xóm Mông thôn Séo Trung Hồ, xã Bản Hồ (thị xã Sa Pa); tuyến đường DH96KM6, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa); tuyến đường Bản Pho, xã Thanh Bình (thị xã Sa Pa); tuyến đường DH92 tại km 0+350 phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa) với 1.565 m3 đất đá.

Công trình thủy lợi Lán Bò 2, xã Nậm Chày (huyện Văn Bàn) bị sạt lở làm gãy đường ống nhựa với chiều dài 20m. Công trình thủy lợi Nà Phát, xã Thẳm Dương (huyện Văn Bàn) bị sạt lở làm gãy tuyến mương với chiều dài 15m.

Mưa lớn kèm theo dông lốc đã làm sập 1 nhà dân tại huyện An Minh; tốc mái 9 căn nhà ở các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Kiên Lương, hai thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Tại ấp Bãi Chướng, xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương xuất hiện mưa lớn, nước mưa từ trên núi chảy xuống khu dân cư quanh đảo, làm sạt lở đất đá từ trên núi tràn vào một nhà dân khoảng 100m3. Ngoài ra, dông lốc, sóng to gió lớn xảy ra 2 vụ chìm tàu tại huyện đảo Kiên Hải, không gây thiệt hại về người. Ước thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ngay sau khi nhận được tin báo từ cơ sở, chính quyền các địa phương đã đến động viên, thăm hỏi những gia đình có người bị thương vong, đồng thời khẩn trương phân công lực lượng thống kê thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ bị thiệt hại dọn dẹp bùn đất tràn vào nhà, sớm ổn định cuộc sống; cắt cử lực lượng trực tại các điểm giao thông bị sạt lở, không cho người dân qua lại, tránh nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái đã phối hợp với các lực lượng tại chỗ huy động nhiều phương tiện, máy móc, nhân lực khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở. Đến gần 13 giờ ngày 21/7, Quốc lộ 32 (đoạn từ UBND xã Cao Phạ đến đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải) đã được thông tuyến, các phương tiện lưu thông trở lại.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo Ban Quản lý bảo trì đường bộ cử cán bộ trực tiếp đến hiện trường các điểm sạt lở kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị tập trung nhân lực, máy móc, hót dọn đất đá và các chướng ngại vật trên lề đường, mặt đường, lòng rãnh; cắm biển cảnh báo tại những vị trí sạt lở, phân luồng giao thông để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông; đến thời điểm hiện tại, vị trí sạt lở tại km127+700 QL 4D đã thông 1 làn.

Để tiếp tục ứng phó với bão số 2 và mưa lũ trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 70/CĐ-TTg, ngày 21/7 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Thắng Trung (TTXVN)
Còn trên 44.500 ha cây trồng bị ngập úng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ
Còn trên 44.500 ha cây trồng bị ngập úng ở khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có 44.541 ha diện tích cây trồng bị ngập úng, giảm 11.440 ha so với ngày 20/7; trong đó, Hà Nội 731 ha, Hà Nam 6.554 ha, Ninh Bình 9.886 ha, Nam Định 27.370 ha. Dự kiến, sau 1 - 2 ngày vận hành công trình tiêu úng, diện tích trên sẽ hết ngập (nếu không tiếp tục có mưa lớn).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN