Đánh giá về việc này, từ góc độ thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm so với năm ngoái thể hiện rằng, năm nay tính ổn định của các doanh nghiệp trong khu vực chính thức càng được cải thiện, mức độ gắn bó với doanh nghiệp của người lao động cũng cao hơn.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng có thể do các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có những cơ chế chính sách giữ chân người lao động, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dự báo về tình hình tuyển dụng trong thời gian tới, ông Vũ Quang Thành cho biết, hiện các hoạt động tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như toàn quốc đang được tiến hành kết nối thường xuyên khớp nới cung - cầu lao động.
"Thời điểm cuối năm là giai đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất sôi động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng so với quý trước. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn hoặc lương thỏa thuận riêng với ứng viên nếu đáp ứng được yêu cầu", ông Vũ Quang Thành cho biết thêm.
Trước đó, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường lao động, việc làm của Việt Nam cũng như trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của từng người lao động, từng doanh nghiệp. Đặc biệt, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 vừa qua hết sức nghiêm trọng. Lần đầu tiên dịch “tấn công” vào các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, để lại hậu quả hết sức khó lường, cần nhiều thời gian, biện pháp để khôi phục.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ cũng như các cấp chính quyền TP Hà Nội đã rất quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời ban hành các chính sách, nghị quyết để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, doanh nghiệp, để làm sao hạn chế thấp nhất việc sa thải, giúp doanh nghiệp giữ người lao động.
Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, đến ngày 30/11, gần 4.000 tỷ đồng chi trả trên 1,6 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đạt trên 95% (trong đó trên 1,5 triệu người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp và trên 90.000 người lao động đã dừng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp được hưởng gói hỗ trợ).
Việc làm dịp cuối năm sẽ tập trung nhiều tại khối thương mại, dịch vụ, xây dựng… Do đó, đây là cơ hội tốt cho nhiều lao động đang tìm kiếm việc làm, trong đó có lao động đang thất nghiệp.
Cũng theo các chuyên gia lao động, việc thực hiện Nghị quyết 128 trong bối cảnh bình thường mới cũng đã tạo đà cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, qua đó tạo đà cho doanh nghiệp nhu cầu tuyển dụng lao động tăng dịp cuối năm.. Do đó, việc phòng chống dịch trong giai đoạn tới có tác động đến thị trường lao động, việc làm, đồng thời chế độ an sinh tốt sẽ góp phần giữ chân lao động, gắn bó với doanh nghiệp, phát triển bền vững.