Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Quảng Nam, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã cứu vớt được 4 người và tìm được 6 thi thể của các nạn nhân bị mất tích.
Vào khoảng 15 giờ 30 phút chiều 25/2, sau khi đi làm đồng, 10 người dân chèo thuyền trên sông Vu Gia, từ xã Đại Nghĩa trở về nhà ở xã Đại Cường thì không may chiếc thuyền bị lật, chìm xuống sông. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đến hiện trường để chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ, cứu nạn và triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân bị mất tích.
Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Nam đã ngay lập tức liên lạc với Ban Quản lý thủy điện Sông Bung 4 (tại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) để yêu cầu nhà máy ngừng phát điện, nhằm hạn chế bớt lưu lượng nước có thể xả ra, gây ảnh hưởng đến việc tìm kiếm các nạn nhân. Đến 16 giờ cùng ngày, nhà máy thủy điện đã dừng việc xả nước, phát điện.
Tại hiện trường, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đến thăm hỏi và chia buồn sâu sắc với các gia đình bị nạn, đặc biệt là người thân của các nạn nhân đã tử vong; chỉ đạo các cơ quan chức năng gấp rút tìm kiếm thi thể của các nạn nhân bị mất tích. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam huy động toàn bộ lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn và các ngành có liên quan cùng tham gia vào công tác tìm kiếm 6 nạn nhân bị mất tích. Sau gần 8 tiếng nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Quảng Nam cùng người dân địa phương đã tìm thấy 6 thi thể của các nạn nhân.
Được biết, ở những khu vực ven sông Vu Gia nói riêng và các khu vực ven sông khác, do thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt nên hầu như các gia đình đều tự trang bị ghe để làm phương tiện đi lại. Đặc biệt, ở những đoạn sông ngắn, người dân vẫn tự chèo thuyền qua lại nên lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Việc người dân thường xuyên di chuyển qua lại hai bên bờ sông nhưng thiếu trang bị bảo hộ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra rủi ro.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân về những điều cần biết khi di chuyển bằng các phương tiện nhỏ lẻ qua sông. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có những giải pháp cụ thể nhằm trang bị các phương tiện cứu nạn ở trên ghe, thuyền cho người dân.
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ giao trách nhiệm cho Ban an toàn Giao thông và Cảnh sát đường thủy kiểm tra, chấn chỉnh, kiểm định chặt chẽ các phương tiện vận chuyển bằng đường thủy, đặc biệt là các loại ghe, thuyền nhỏ để đảm bảo không xảy ra trường hợp tương tự. Đau xót trước sự việc xảy ra ngoài ý muốn, ông Lê Trí Thanh chia sẻ, động viên các thành viên trong gia đình có người thân gặp nạn cố gắng vượt qua nỗi đau thương, mất mát quá lớn này.
Công an huyện Đại Lộc sẽ làm việc với các nhân chứng để điều tra, làm rõ vụ tai nạn này. Trung tá Mai Thanh Tâm, Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc cho biết, đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, do đó trong quá trình điều tra, nếu xác định được người điều khiển ghe là một người khác còn sống, vụ việc sẽ được khởi tố theo quy định của pháp luật.
Hiện UBND tỉnh Quảng Nam cùng các sở, ban, ngành đã có phương án hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân không may bị nạn. Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp tử vong; UBND tỉnh hỗ trợ 7 triệu đồng/trường hợp tử vong.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp tử vong. Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/trường hợp tử vong. Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình hai cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên và Nguyễn Hoàng Ánh Viên (hai cháu và người mẹ cùng tử vong). UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ 6 triệu đồng/trường hợp tử vong và 3 triệu đồng/trường hợp thoát nạn. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đại Lộc hỗ trợ 5 triệu đồng/trường hợp tử vong. Ngoài ra các nhà hảo tâm cũng hỗ trợ một phần kinh phí tặng các gia đình có người thân bị nạn.