Nhiều thanh thiếu nhi thừa nhận mình khó hình dung về một cuộc sống nếu thiếu mạng xã hội. Tuy nhiên, hình thành được bản lĩnh ứng xử trước không gian mạng, thể hiện sự trách nhiệm trong việc chia sẻ và lan tỏa thông tin không phải là điều bạn trẻ nào cũng làm được.
Thích ứng trong dòng chảy truyền thông xã hội
Không thể phủ nhận, kể từ khi những phương tiện truyền thông phát triển cùng với sự bùng nổ internet, đời sống xã hội đã có những thay đổi rõ nét theo chiều hướng tích cực và phát triển. Những khái niệm mới về truyền thông bắt đầu xuất hiện cùng với quá trình biến đổi của cuộc sống. Truyền thông đã bắt đầu một cuộc chuyển tiếp từ truyền thống sang những cách thức hiện đại. Sự chuyển tiếp này là sự phát triển, tuy nhiên cũng để lại không ít những hệ lụy, đòi hỏi sự thích ứng từ cả phía cá nhân, tổ chức chia sẻ và tiếp nhận thông tin.
Trên thế giới, hiện có 2,31 tỷ người sử dụng mạng xã hội, chiếm 31% dân số toàn cầu, trong đó số người tiếp cận qua thiết bị di động như máy tính xách tay, điện thoại thông minh, máy tính bảng vào khoảng 1,97 tỷ người. Việt Nam là một trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về công nghệ thông tin với trên 40 triệu cư dân mạng tham gia vào mạng xã hội trên tổng số hơn 95 triệu người dân (theo số liệu của Tổng cục Thống kê tính đến ngày 22/3/2017), trong đó đa phần là những người trẻ. Những con số này được dự báo sẽ còn tăng lên với tốc độ chóng mặt và sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ.
Trong bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, truyền thông xã hội là một "dòng chảy thông tin" trên nền tảng, dịch vụ công nghệ cho phép người dùng tạo ra, chia sẻ, trao đổi, thảo luận và thay đổi các nội dung, thiết lập thành các mạng lưới liên kết và tương tác xã hội. Truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội liên tục được nâng đỡ, hỗ trợ bởi những công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối xã hội.
Các thuật toán cho phép các nền tảng truyền thông xã hội thiết lập các cộng đồng hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau (diễn đàn, nhóm, hội công khai, hoặc bí mật...) có thể thu hút từ hàng nghìn lên đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về địa lý, thành phần xã hội. Sự tiếp cận đến từng cá nhân người dùng với tốc độ nhanh tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích về truyền tải, tiếp nhận, chia sẻ, thông tin, tri thức; phục vụ các nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: kết bạn, giải trí, kinh doanh, bày tỏ quan điểm, phản biện xã hội, lan tỏa những điều tốt đẹp…
Mạng xã hội đã tham gia tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống, từ kinh tế, thương mại đến chính trị - xã hội, ảnh hưởng tới đời sống của mỗi cá nhân, mỗi nước và thế giới nhờ đặc điểm của các công nghệ thông tin và truyền thông vừa mang tính chất cá nhân, vừa mang tính toàn cầu. Chưa bao giờ một lượng đông đảo người đưa ra thông tin lại có thể tiếp cận được một lượng người tiếp nhận tiềm năng một cách nhanh chóng, dễ dàng như hiện nay. Mạng xã hội cho phép truyền tải thông tin một cách gần như ngay lập tức và dễ dàng mà không cần trải qua các quy trình kiểm duyệt có điều kiện như đối với các cơ quan báo chí chính thống. Tự thân mạng xã hội đã trở thành một sức mạnh to lớn có thể tạo nên những thay đổi tích cực trên nhiều phạm vi khác nhau.
Tuy nhiên, ở mặt trái, mạng xã hội cũng có thể trở thành công cụ phá hoại, lan truyền các thông tin xấu độc, sai sự thật, thậm chí mù quáng đến khó kiểm soát. Với đặc thù là công cụ kết nối, chia sẻ nhanh và dễ dàng bất kỳ nội dung nào, vào bất kỳ lúc nào, những mặt trái đó có thể gây tác động tiêu cực đến ứng xử của con người, gây hại cho cộng đồng hoặc ảnh hưởng nguy hiểm đến cuộc sống riêng tư của mỗi người. Việc cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận và sự tôn trọng cá nhân là điều vô cùng khó kiểm soát đối với những thông tin được đưa ra trên mạng xã hội. Đồng thời, cũng từ các nền tảng truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội, nhất là ở các quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo.
Chủ động sàng lọc thông tin vì một “hệ sinh thái” truyền thông lành mạnh
Theo Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong, các tổ chức đoàn, hội thanh niên, sinh viên thời gian qua đã có trách nhiệm theo dõi và cập nhật kịp thời những diễn biến, xu thế mà sinh viên, học sinh tiếp cận trên mạng xã hội trong phạm vi môi trường của mình, từ đó có những định hướng, hỗ trợ cho kịp thời. “Đó là một trong những giải pháp quan trọng của tổ chức Đoàn để tham gia vào câu chuyện giúp cho học sinh, sinh viên, thanh niên có thể sử dụng mạng xã hội một cách tích cực, phát huy được những mặt tích cực của mạng xã hội và hạn chế những tiêu cực mà mạng xã hội mang đến”, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để giới trẻ nói chung và mỗi thanh niên nói riêng hình thành được bản lĩnh ứng xử trước không gian mạng, trước những thông tin xấu độc là vấn đề không đơn giản. Bí thư thứ Nhất Lê Quốc Phong đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ: Nếu chưa thể phân định đúng sai trước các thông tin chiều hướng khác nhau, cách ứng xử hợp lý nhất là không lan truyền, không khai thác quá sâu vào những thông tin đó; dừng lại việc lan truyền trên mạng xã hội và lan truyền những câu chuyện đó trong bạn bè của mình, bởi làm như vậy sẽ vô tình “kích thích”, khơi gợi tò mò và tạo điều kiện để các bạn khác tiếp cận, tìm hiểu về những thông tin chưa xác định được đúng sự thật. Khi những thông tin xấu, sai sự thật, thậm chí là tin giả được lan truyền rộng rãi, vô hình chung sẽ tạo nên “hiệu ứng domino” trong cả cộng đồng mạng và trong xã hội, gây nên ảnh hưởng tiêu cực với nhiều cấp độ tùy thuộc tốc độ và mức “phủ sóng” thông tin.
Sau đó, các bạn trẻ có thể chia sẻ sự băn khoăn của mình với thầy cô, với các bạn cán bộ Đoàn, cán bộ Hội, cán bộ lớp để được hỗ trợ những thông tin chính thống hơn. Về lâu dài, tự thân mỗi đoàn viên, thanh niên cần chủ động trang bị thêm nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tế để góp phần hình thành thói quen phản xạ khi đối diện với những thông tin xấu độc, thể hiện bản lĩnh của thanh niên thế hệ mới.
Đưa ra ý kiến liên quan đến vấn đề này, nhà báo Đỗ Đình Tấn, tác giả cuốn sách “Báo chí và mạng xã hội” cho rằng, cần có giải pháp tăng cường khả năng kiểm tra các sự kiện, có các “bộ lọc” đối với thông tin giả, phát ngôn với mục đích kích động, chia rẽ, gây thù hận…trên internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Song những giải pháp này chỉ có hiệu quả khi có sự tham gia tích cực, trách nhiệm, có hiểu biết của chính bản thân những người sử dụng.
Riêng đối với giới trẻ, đặc biệt là những thanh thiếu niên chưa đủ tuổi vị thành niên, chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm về hành vi, gia đình, trường học, các tổ chức xã hội giữ một vai trò quan trọng như những “người gác cửa” để phát hiện, cảnh báo và trợ giúp lọc những thông tin giả, phát ngôn có ảnh hưởng xấu cũng như hình thành các biện pháp phối hợp để cùng ngăn chặn tác động tiêu cực đến giới trẻ, bởi “phòng” luôn quan trọng hơn là “chống”. Các thiết chế và tổ chức này cần giáo dục, huy động những người sử dụng internet cùng hành động để giảm thiểu nguy cơ. Cũng chính những người sử dụng internet nói chung, mạng xã hội nói riêng sẽ là lực lượng đông đảo đấu tranh cho một hệ sinh thái truyền thông an toàn và lành mạnh.