Hiệu quả “trên trời” của đề án ngoại ngữ 2020 - Bài cuối

Sẽ phải có những điều chỉnh về mục tiêu đề án, các hạng mục, cũng như cách triển khai đề án - đó là khẳng định mới đây của những nhà quản lý giáo dục.


“Người trong cuộc” cũng lo


Đánh giá về kết quả đề án sau 3 năm triển khai, bà Vũ Tú Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý Đề án cho biết: Đề án đã tạo được chuyển biến trong nhận thức xã hội, từ người dạy, người học, về ý nghĩa, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Năng lực tiếng Anh trong bảng xếp hạng quốc tế của Việt Nam hiện cũng đã tăng 12 bậc so với trước đây.

 

Phòng học tiếng Anh kết hợp máy chiếu hình ảnh phục vụ giảng dạy trong thư viện của Trường Tiểu học Lạc Long Quân, Quận 11 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 


Tuy nhiên, cũng chính bà Vũ Tú Anh phải thừa nhận, quá trình triển khai Đề án đã bộc lộ bất cập, trước hết là trong công tác bồi dưỡng giảng viên, giáo viên. “Theo phản ánh của nhiều giáo viên, cái khó nhất là việc sắp xếp thời gian để tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ. Do vừa phải đi học, vừa phải đảm bảo giảng dạy trên lớp, nên đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng học tập của giáo viên”, bà Vũ Tú Anh chia sẻ.

Về kỳ vọng của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển là từ năm học tới (2014 - 2015), các trường đào tạo giáo viên ngoại ngữ phải xây dựng chuẩn năng lực đầu ra tương ứng với khung tham chiếu châu Âu; cùng với đó việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ cần phải áp chuẩn năng lực châu Âu mới được dự tuyển… Hầu hết lãnh đạo các trường đều cho rằng rất khó thực hiện được yêu cầu này.


Trả lời những câu hỏi về tiến độ của đề án cũng như việc đầu tư chưa đúng mức, bà Vũ Tú Anh cho rằng, việc triển khai đề án là cần thiết nhưng không lấy thời gian và tiến độ giải ngân là mục tiêu. Trong quá trình thực hiện cần chia lộ trình triển khai cụ thể, đánh giá hiệu quả đạt được theo từng giai đoạn, dựa vào chuẩn giáo viên và chuẩn năng lực học sinh.


Một thành viên của Ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ 2020 cũng tỏ ra lo lắng với kết quả của những phần việc đã triển khai trong thời gian qua và sự đầu tư thiếu tính khoa học của đề án. Theo thành viên này, nếu không sớm có sự nhìn nhận, chỉnh sửa lại mục tiêu, hướng triển khai… thì nhiều mục tiêu đề án sẽ không thể đạt được và đến năm 2020 cũng sẽ không hoàn thành được đề án này.

 


Chấn chỉnh từ địa phương


Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tại không ít địa phương vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần được chấn chỉnh, khắc phục, cụ thể: Chưa thành lập Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cấp tỉnh, hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành trong Ban Chỉ đạo.


Ông Phạm Ngọc Phương, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, thời gian qua, tại các địa phương đã xảy ra tình trạng phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; sử dụng ngân sách lãng phí, đặc biệt ở khâu mua sắm thiết bị dạy học (mua sắm thiết bị mới mà không rà soát, kiểm kê thiết bị đã có, mua các thiết bị công nghệ thông tin chỉ có phần cứng, không có các phần mềm ứng dụng đi kèm nên không sử dụng được hoặc không khai thác hết được tính năng của thiết bị). Đồng thời, các địa phương đã lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên theo hình thức vừa học vừa làm; không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng, dẫn đến chất lượng bồi dưỡng giáo viên không đạt yêu cầu; chưa tổ chức kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện Đề án tại địa phương để kịp thời phát hiện và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.


Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD-ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung thực hiện 4 nội dung chính. Cụ thể, thành lập hoặc kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 cấp tỉnh; căn cứ theo nhiệm vụ trọng tâm của Đề án để phân bổ nguồn kinh phí, đảm bảo cơ cấu phân bổ từ Trung ương, cân đối giữa các hạng mục chi (bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; mua sắm thiết bị, phần mềm, học liệu dạy và học ngoại ngữ).


Các sở GD-ĐT cũng cần chấn chỉnh công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo hướng không tổ chức theo hình thức vừa học vừa làm, mà chỉ tổ chức các khóa bồi dưỡng tập trung, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả bồi dưỡng. Địa phương phải hợp đồng với đơn vị đủ năng lực và trách nhiệm độc lập đánh giá kết quả bồi dưỡng, tổ chức rà soát về thực trạng thiết bị dạy học hiện có và các điều kiện về cơ sở vật chất, đảm bảo việc mua sắm, khai thác, sử dụng thiết bị có hiệu quả, tiết kiệm.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN