Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 được Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai từ năm 2010, có mục tiêu: “Đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.
Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, thì dư luận ngày càng thấy sự “thiếu khả thi” của đề án với mức chi gần 10.000 tỷ đồng này.
Bài 1: Chạy maraton đến chuẩn châu Âu
Hàng loạt phần việc của đề án đã được triển khai như: Rà soát trình độ hàng loạt giáo viên ngoại ngữ trên cả nước, đưa đi tập huấn, bồi dưỡng, thậm chí đưa ra nước ngoài học tập. Tuy nhiên đến nay, mục tiêu giáo viên ngoại ngữ đạt trình độ theo chuẩn châu Âu như đề án đặt ra, vẫn xa vời.
Không bột đòi “gột” nên hồ
Một trong những bước đầu tiên của đề án là khảo sát năng lực giáo viên theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR). Những giáo viên tiếng Anh của 30 tỉnh, thành phố đã tham gia làm bài kiểm tra trình độ và kết quả thu về đã khiến xã hội “sốc nặng”: Chỉ có 3% giáo viên THPT và 7% giáo viên tiểu học, THCS đạt chuẩn của đề án xây dựng. Điều đáng nói, có tới 17% giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trên cả nước chỉ đạt trình độ A1, có nghĩa là tương đương với người nhập môn.
Giờ học môn tiếng Anh của học sinh Trường Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
“Với một trình độ như vậy, để nâng được chất lượng giáo viên lên đạt chuẩn sẽ là một quá trình dài với rất nhiều việc phải làm, vì vậy thời gian từ nay đến năm 2020 như đề án đưa ra là “không tưởng”. Chưa kể việc giáo viên mỗi vùng, miền trình độ lại khác nhau, có những nơi cần đến chuẩn châu Âu, nhưng cũng có những nơi chưa tới mức đòi hỏi như vậy, bởi học sinh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học theo chuẩn, nếu vậy đào tạo giáo viên đạt chuẩn ra cũng chẳng để làm gì, vì ngoại ngữ là một ngành phải đào tạo lại thường xuyên, nếu không sẽ lạc hậu ngay”, một chuyên gia giáo dục cho biết.
Đây cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều người trong giới. Ông Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho biết, giáo viên tiếng Anh ở các bậc học trong trường phổ thông chủ yếu đã tốt nghiệp đại học chuyên ngữ và một số đã tốt nghiệp cao đẳng tiếng Anh, trình độ tiếng Anh của đội ngũ này cơ bản đã đáp ứng được việc dạy tiếng Anh theo yêu cầu của Đề án. “Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trình độ của họ không đồng đều. Một số giáo viên nhiều kinh nghiệm trong phương pháp lại xa dần năng lực chuẩn, một số gần với năng lực chuẩn nhưng thiếu nhiều kinh nghiệm giảng dạy”, ông Hòa chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên là thành viên Ban Chỉ đạo đề án ngoại ngữ 2020 thì cho biết, giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các trường phổ thông về mặt hình thức đều đạt chuẩn tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, tuy nhiên, nhiều người trong số này chỉ được đào tạo theo hệ chuyên tu, hệ từ xa, mở rộng... “Bằng cấp thì các giáo viên đều có, nhưng trình độ thực tế thì không đồng đều và phần đông không bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, trước đây môn tiếng Anh chỉ là môn tự chọn nên việc tuyển chọn giáo viên chưa được quan tâm đúng mức. Đồng thời, giáo viên chỉ chú trọng dạy từ vựng, ngữ pháp nên kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của chính các thầy cô cũng mai một. Chỉ khi đề án được triển khai và các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra rà soát mới thấy lỗ hổng quá lớn”, ông Nguyễn Ngọc Hùng nhận định.
Với một thực tế như vậy, nên thực sự sẽ khó “gột nên hồ” trong thời gian chỉ còn tính bằng năm từ nay đến cái “đích” 2020 mà đề án đưa ra. Chính vì vậy, sự nghi ngờ của dư luận là có căn cứ.
Đầu tư không trúng
“Xuất phát điểm” đã yếu như vậy, nhưng điều đáng nói là sự đầu tư của đề án để nâng tầm chuẩn giáo viên ngoại ngữ cũng rất “mông lung”. Theo như kế hoạch, sau đợt khảo sát về trình độ ngoại ngữ sẽ là một đợt đào tạo lại giáo viên theo chuẩn châu Âu và việc này vẫn đang triển khai. Tuy nhiên, điều đáng nói là thay vì tập trung đầu tư nâng chuẩn giáo viên, thì nhiều tỉnh thực hiện đề án lại chỉ “chăm” mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ mà chưa căn cứ vào năng lực sử dụng, điều kiện của giáo viên.
Theo nhận xét của nhiều giáo viên, mấy năm qua việc triển khai đề án chủ yếu trung vào hai việc: Mua sắm trang thiết bị đắt tiền như bảng tương tác cho các trường ở các thành phố lớn và đào tạo lại giáo viên để đạt chuẩn châu Âu… Trong đó, việc đầu tư trang thiết bị thậm chí có phần được “coi trọng” hơn, trong khi hiệu quả lại chưa có. Đơn cử, một trong những thiết bị hiện đại được Bộ GD - ĐT ứng dụng dạy thí điểm tiếng Anh Robot Teacher (bút chấm đọc)… được coi là một thiết bị hỗ trợ tốt cho giáo viên tiếng Anh, rất nhiều địa phương đã triển khai đầu tư, nhưng do không nắm chắc cách sử dụng nên các giáo viên hầu như chưa phát huy hết tính năng của thiết bị này.
Một ví dụ điển hình nữa về việc đầu tư lãng phí trang thiết bị là tỉnh Nghệ An. Thực hiện đề án, tỉnh đã đầu tư hàng tỉ đồng cho 8 phòng học ngoại ngữ theo kiểu chuyên dụng. Tuy nhiên, giáo viên không được tập huấn sử dụng nên hầu hết đều gặp khó khăn trong việc vận hành. “Giáo viên hiểu chuyên môn thì không biết kỹ thuật máy móc, nhà cung cấp am tường máy móc thì không biết về các bước dạy học đặc thù của môn học, thế là hiện nay 8 phòng học này bỏ không”, một đại diện ngành giáo dục chia sẻ.
Chia sẻ về việc đào tạo lại, một giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trình độ B2 tại Hà Nội cho biết: “Rất khó khăn cho tôi trong việc sắp xếp thời gian giữa thời lượng giảng dạy trên lớp, công việc gia đình và bảo đảm việc… học lại ngoại ngữ. Trung bình chúng tôi phải dạy 30 tiết/tuần, trong khi vừa bảo đảm chuyên môn, vừa hoàn thành bài học là khiến chúng tôi khó có thời gian. Chưa kể cuối kỳ phải trải qua kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh nhằm đạt chuẩn ngôn ngữ B2 của khung tham chiếu ngôn ngữ châu Âu là một thách thức với giáo viên. Nhất là những giáo viên đã có tuổi”.
Còn cô Nguyễn Thu Anh, giáo viên dạy tiếng Anh trường THCS Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, trình độ giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn không chỉ do việc đào tạo trong các trường sư phạm, mà còn bị mai một trong quá trình giảng dạy. Việc học tập tiếng Anh này là cả một quá trình, không phải thấy yếu, kém là yêu cầu đi học theo đợt. “Sau khóa học, việc sử dụng tiếng Anh trong việc giảng dạy có thay đổi không, có giúp giáo viên tiếng Anh thường xuyên nâng cao trình độ không hay vẫn chỉ là hình thức, đây thực sự là điều đáng phải suy nghĩ”, cô Thu Anh cho biết.
Lê Vân
Bài cuối: Tìm giải pháp phù hợp