Hiệp sĩ... khùng

Ông là Đặng Văn Lợi, 52 tuổi, trú tổ 64, Chơn Tâm (Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng). Hỏi ông Lợi, dân còn băn khoăn không biết Lợi nào, nhưng nói Lợi chắn tàu, hay Lợi chai bao, trăm người như một, đều chỉ: Chạy thẳng, đến đoạn có lối mòn băng qua đường ray, thấy một gã… “điên điên” ngồi trong hẻm nhỏ là ông Lợi đấy.


Lợi “barie”


Góc ông ngồi nhỏ thó, chỉ vừa hai người đứng. Ông không gia đình, không vợ con, ban ngày ngồi ở con hẻm sát đường ray này, tối về nhà đứa cháu ngủ. Anh Trịnh Quốc Huấn, cháu ông kể năm 1978 ông đi bộ đội, một năm sau ông về, người thân bắt đầu thấy thần kinh ông không ổn định, thường thơ thẩn ngoài đường, ít nói và thích một mình. Cầm cuốn sổ, ông trích ngang “tiểu sử” của mình, cũng hệt như lời đứa cháu, nhưng có chú thích thêm: “Đi quân y thôi, chưa được cầm súng bắn đâu nhé”. Quá khứ của ông chỉ vậy.

“Huân chương” lớn nhất của đời ông.


Gặng hỏi thêm ông ngồi ở đây bao nhiêu năm rồi? Sao lại thích canh tàu? Ông lắc đầu nguầy nguậy trả lời như được mặc định sẵn: tui không nhớ, tui không biết. Hàng xóm bảo một bận, ba người đạp xe băng qua đường sắt mà không để ý tàu đến nên mất mạng cả ba, thấy cảnh chết thảm quá ông giãy giụa, đau đớn. Từ đấy ông ngồi lì ở con hẻm này. Đoạn ông ngồi là một khúc cua ôm tròn của đường sắt, vừa khó phát hiện, vừa sát đường lộ nên tiếng xe cộ chen lẫn, rất khó nghe tiếng tàu, vì vậy nguy hiểm cho người dân và sinh viên hàng ngày vẫn băng qua đây để đến trường. Cô Ngô Thị Xuân Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa nói trước đây tai nạn tàu nhiều vô kể, người lớn có, trẻ con có, nhưng từ khi có ông, dân ở đây hiếm gặp những trường hợp thương tâm như thế.


Công việc chính của ông là canh tàu. Ngày, ông cố thủ ở “kiốt” hẻm, hoặc lang thang ngoài đường ray, đến tối mịt, khi thưa người qua lại đoạn này ông mới chịu về ngủ. Ông không nhớ rõ từng mốc thời gian tàu qua, nhưng hình như quán tính, mà cũng có thể là ông “cảm tính” được lúc nào tàu gần tới, vậy là ông lao ra, ngó ngang dọc, trước sau, hô hoán: “Tàu tới, tàu tới”, rồi chắn tất cả người và xe cộ lại, nhiều người lần đầu không biết bảo ông phiền phức, nhưng dừng lại một lúc thấy tàu đến thật. Suốt buổi nói chuyện, ông mới chịu bực bội một câu: “Tụi sinh viên vô tâm, tụi hắn qua đường mà còn nói chuyện, nghe nhạc, tui lôi lại mấy đứa rồi, không là chết hết”. Có ông, đoạn đường sắt tử thần này như có thêm một chiếc còi báo động, một chiếc barie, bao mạng người đã được ông cứu sống trong chớp nhoáng. “Mới đây, ba đứa con nít rủ nhau ra ngồi chơi giữa lòng đường ray mà không hề biết tàu đến, dân xung quanh cũng không để ý, đến khi tàu tới gần réo còi âm ĩ, ai cũng đứng bên đường la hét, chỉ có ông lao xuống bế xốc cả ba đứa chạy ra khỏi đường ray”, người dân cảm kích nói về ông như vậy.

Ông Lợi canh tàu cho sinh viên và người dân qua đường sắt.


Năm trước, ông được Công ty Total Việt Nam tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”, ghi rõ: “vì những nỗ lực và đóng góp tích cực của anh cho vấn đề an toàn giao thông trong nước…”. Với ông, đấy là “huân chương” lớn nhất trong cuộc đời, ông đặt nó vào góc trang trọng nhất trong nhà. Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho biết: “Lối mòn mà người dân vẫn băng qua đường sắt hàng ngày ấy là lối dân sinh, không rào chắn lại được. Trước đây nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra, nhưng từ ngày có “hiệp sĩ” Lợi thì giảm hẳn, vài năm trở lại đây thì hoàn toàn không có”.


Dọn rác đường ray


52 tuổi, nhưng ông có vẻ già, người gầy xơ, tóc bạc. Hai vật bất ly thân của ông là cuốn sổ và chai nước ngọt. Cuốn sổ chỉ để ông nguệch ngoạc mấy chữ, đôi khi là dãy số như những người làm ăn lớn tính toán tiền nong. Ông không nghiện rượu bia, chỉ thèm có nước ngọt, cô bán hàng tạp hóa cạnh bên bảo ông già rồi, chắc cũng muốn nhấm nháp gì đấy cho vui miệng. Buổi trưa, hỏi ông có về ăn cơm không, ông quả quyết: “Tui “lớn” rồi, không thích ăn của cháu”.

 

Vậy là để có ngày hai bữa cơm bụi, ông rong ruổi theo đường ray, lục thùng rác lượm ve chai, mỗi ngày cũng được hai ba chục ngàn. Nhiều hôm tha thẩn đến tận ga, ngoảnh lại thấy xa quá mới sực nhớ đi về. Nhờ những đợt “tuần tra” ấy, ông phát hiện bà con vứt rác ra đường ray quá bừa bãi. Bắt tận tay, day tận mặt không được, ông hì hục dọn, thứ nào bán được ông cho vào bao, còn bao bóng, rác bẩn, ông nhặt rồi tập kết lại một chỗ. Có bữa, một đoạn ray dài bị người dân ra phóng uế, tức mình, ông quay ngược về nhà xách nước ra dội, người dân thấy một gã “khùng” ngày ngày dọn dẹp, nên cũng ý thức hơn. Từ đấy, đoạn đường nào có ông đi qua, đoạn ấy sạch sẽ hẳn. Ông hào hứng khoe lần trúng mánh nhặt được 250 ngàn, nhưng không giao cho công an và ủy ban, vì sợ nhỡ họ không “đăng tin” cho người mất đến nhận thì phí, thế là ông… bỏ túi.

 

Còn chốt thêm một câu: “bỏ túi liền, vì lương tui thấp lắm”. Ông Bùi Trung Khánh, Phó Chủ tịch phường Hòa Khánh Nam cho hay, thật ra khoản tiền hàng tháng mà ông nhận là chế độ phụ cấp dành cho ông, lâu nay ông cứ tưởng là lương đi dọn rác. Tuy nhiên các dịp lễ, Tết, chính quyền vẫn thăm hỏi, tặng quà để chia sẻ và khuyến khích công việc hữu ích của ông.


Tính khùng khùng, nhưng ông chẳng đụng chạm, ham hố của ai bao giờ. Có nhà cháu sát bên nhưng ông cũng chỉ mượn căn gác xép áp mái để ngủ, tuyệt nhiên không ăn cơm, không xin tiền. Quanh chỗ ông ở vô số hàng tạp hóa, bánh kẹo, bà chủ nào cũng đồng tình: Ông hiền tính, tui có thả cửa đi cả ngày cũng không mất chi, lại còn sẵn lòng giúp khi mình nhờ vả nữa. Cũng lắm lần, ông làm cả xóm cười vỡ bụng khi biếu quà bị ông chê dở, xấu, không nhận, hay nhận rồi thì quay ngược lại hỏi “có phải đồ thật không?”.


Đã hơn 10 năm ông canh tàu và dọn rác, cứ âm thầm làm theo “cách của riêng mình” . Không cần ai bắt ép, không làm vì gì cả. Ông cũng chẳng hề hay biết, đó là sự cống hiến vô cùng lớn mà giữa đời này, dễ gì có người không “khùng” làm được.


Bài và ảnh: Thanh Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN