Hiến kế tạo nguồn cho cải cách tiền lương

Dự thảo Đề án cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức 2011 - 2020 đang được lấy ý kiến. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều ý kiến cho rằng việc đa dạng hóa nguồn lực cho việc cải cách tiền lương là hết sức cần thiết, quyết định tính khả thi của Đề án cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2011- 2020.

Mạnh dạn thanh lọc, đào thải

10 năm qua, hệ thống chính sách tiền lương của nước ta trải qua hai giai đoạn cải cách quan trọng là 2003 - 2007 và 2008 – 2012. Nhưng hiện nay, ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn là nguồn lớn nhất, quyết định nhất cho cải cách lương. Hàng năm nhà nước đã trích xấp xỉ 10% GDP để chi cho tiền lương và các khoản có tính chất lương. Mức này còn cao hơn mức bình quân của một số nước đang phát triển. Tuy nhiên, để duy trì mức này là một thách thức lớn. Để có nguồn tài chính cho thực hiện cải cách tiền lương 10 năm tới, cần nhiều đột phá.

Theo ông Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính), tinh giản biên chế là biện pháp mạnh nhất để tăng lương và nâng cao hiệu quả lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là ý kiến của TS Trần Thị Thu Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính - Sự nghiệp (Bộ Tài chính). “Giải pháp cấp bách trước tiên là tinh giản biên chế”, bà Hà nói. Trước đây, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản về quản lý biên chế công chức và các chính sách khuyến khích tinh giảm đội ngũ cán bộ, công chức nhưng thực tế các đơn vị làm chưa quyết liệt. Ông Tô Mạnh Hào (đại diện Văn Phòng Chính phủ) cho rằng: “Hiện nay, đối tượng trong diện biên chế có khoảng 4 vạn người. Tinh giản biên chế không thể chỉ nói theo kiểu hô hào suông.

Nhiều ý kiến cũng đồng quan điểm này. TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: Bước đột phá đầu tiên là quản chặt và giảm đến mức tối đa đối tượng hưởng lương từ ngân sách. Theo ông Dũng, cần rà soát và đánh giá lại cán bộ, công chức, thực hiện tinh giản bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ này. Muốn lương công chức được cải thiện, cần “mạnh dạn thanh lọc, đào thải”. Bên cạnh đó, theo ông Bùi Thiên Sơn, Viện Chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ, cần có chính sách trả lương xứng đáng cho những người phải làm việc kiêm nhiệm để thu nhập của họ tương xứng với công sức lao động bỏ ra.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công

Đột phá vào cơ chế đẩy mạnh xã hội hóa khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công cũng là giải pháp được các chuyên gia đề xuất.

Theo TS Trần Thị Thu Hà, nhiều người cho rằng các đơn vị sự nghiệp công phải hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, cần quan tâm đúng mức đến sự tồn tại và phát triển của các đơn vị này trong bối cảnh NSNN hạn hẹp, chưa cung cấp đủ kinh phí để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị.

Bà Hà dẫn báo cáo của Bộ Y tế, NSNN chiếm tỷ trọng ngày càng giảm trong tổng chi thường xuyên của ngành này. Năm 2006 chiếm 55% nhưng năm 2011 giảm xuống còn 41%. Toàn ngành có khoảng 3.000 dịch vụ đang thực hiện nhưng có khoảng 350 loại đang thu phí theo khung giá từ năm 1995, còn khoảng 2.650 dịch vụ thu theo khung phí từ tháng 1/2006. Mức phí này đã quá lạc hậu và không đủ bù đắp chi phí dịch vụ y tế.

“Để có nguồn cải cách tiền lương, đơn vị sự nghiệp công có hai phương án: Một là nâng mức thu phí lên gần hơn với chi phí của đơn vị sự nghiệp bỏ ra thực hiện dịch vụ; hai là chuyển chế độ thu phí sang chế độ giá bán dịch vụ”, bà Hà khẳng định.

Còn theo ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, XII cần xây dựng đề án tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, đào tạo các cấp và chi phí khám chữa bệnh theo ca bệnh. Có phương thức điều chỉnh khi giá cả và chất lượng dịch vụ thay đổi. Đối với dịch vụ giáo dục, y tế phục vụ theo yêu cầu cao hơn mặt bằng chuẩn thì tính theo giá kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định.

Các đơn vị sự nghiệp công còn lại cần tổ chức đánh giá phân loại các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ hoạt động để có đề án cụ thể về việc tạo nguồn thu. Các biện pháp, cơ chế tạo nguồn thu phải phù hợp; bảo đảm cho các đơn vị này hoạt động hiệu quả, bảo đảm nguồn cho cải cách tiền lương

Tiền tệ hóa tiền lương là một giải pháp khác được tính đến. Lâu nay, ngoài tiền lương, cán bộ, công chức được hưởng hàng tháng từ ngân sách một số quyền lợi vật chất khác như: Phương tiện đi lại, chế độ cung cấp điện thoại. “Những nội dung chi tiêu đó hoàn toàn có thể định mức hàng tháng để đưa vào tiền lương của cán bộ, công chức”, bà Hà đề đạt.

Mạnh Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN