Hành trình tìm sữa mẹ cho chú voi sơ sinh mồ côi

Vượt qua những khó khăn khi thay mẹ voi nuôi nấng một chú voi con mồ côi - điều mà từ trước tới nay trên thế giới cũng như Việt Nam đều gặp nhiều bỡ ngỡ, các cán bộ tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và các chuyên gia quốc tế đã cố gắng mang lại điều kiện chăm sóc tốt nhất cho chú voi Gold nay đã tròn 1 tuổi.

- Một voi con bị sa xuống giếng!


Ngày 28/3/2016, người dân đi làm rẫy qua khoảnh 7 tiểu khu 294 lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh (khu vực hồ Ea Súp thượng) huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk phát hiện dưới giếng bỏ không có một chú voi con. Ngay lập tức, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, cùng cơ quan chức năng huyện Ea Súp có mặt, “cẩu cứu” chú voi con.


Công việc không dễ dàng, bởi miệng giếng hẹp, chú voi dù chỉ khoảng 2- 4 tháng tuổi nhưng “to như voi” với cân nặng ngót 1 tạ và chiều cao 90cm. “Chú bé” cũng rất hoảng loạn khi thấy đông người và máy móc. Rất may, cùng với việc huy động tối đa các phương tiện cứu hộ, thì các chuyên gia chăm sóc thú rừng cũng hiện diện kịp thời, để phối hợp đưa voi con từ giếng lên. Mời bạn đọc xem clip khi voi con bị sa xuống giếng:



15 ngày tìm voi mẹ


Ngay sau khi được đưa lên mặt đất, chú voi con có vẻ rất khát sữa. Các bác sỹ thú ý của Trung tâm đã chăm sóc hồi sức và dùng sữa hộp cho trẻ em dưới 1 tuổi cho voi ăn. Được ăn no và chăm sóc, chú voi rừng dần dần bớt hoảng loạn, ổn định trở lại.


Tuy nhiên, chú voi con còn quá nhỏ, đang trong giai đoạn bú sữa, chưa biết ăn và cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào sữa mẹ, cần nhanh chóng tìm mẹ lại cho chú. Dưới cái nắng oi bức 400C của cuối tháng 3 và tháng 4 Tây Nguyên, giữa cánh rừng thiếu thốn về nước và thức ăn, các nhân viên Trung tâm cùng ông Jake Veasey và anh Nguyễn Tam Thanh cán bộ phúc lợi Tổ chức Động vật châu Á đã vừa chăm sóc chú voi con trong rừng vừa lần theo dấu chân để đi tìm mẹ cho chúng, tìm mọi cách để đưa chú hòa nhập bầy đàn.

 

Lần thứ nhất vào chiều tối 28/3, chú voi con đã được đưa đến gần khu vực cứu hộ tại giếng nước với mong muốn tối đó đàn voi rừng sẽ quay trở lại để tìm chú voi và sẽ đưa chú đi theo mẹ. Điều này khá nguy hiểm cho những người dẫn voi đi, bởi nếu đàn voi rừng phát hiện hơi người lạ, có thể có những hành động gây mất an toàn cho người. Lần thứ 2, lần thứ 3, lần thứ 4… Tưởng chừng chú voi con đã có hai cơ hội hòa nhập cùng đồng loại khi các cán bộ cứu hộ mạo hiểm đưa chú voi con đến sát với đàn voi rừng… tuy nhiên, những nỗ lực của đã không thành.


“Suốt nửa tháng trời đó, suốt ngày đêm, người thì ăn cơm trong rừng còn chú voi thì uống sữa hộp dành cho trẻ dưới 1 tuổi. Cả người và voi lang thang trong rừng, để tìm lại mẹ voi” - bác sỹ Thú y Nguyễn Công Chung – cán bộ Trung tâm bảo tồn voi nhớ lại.

 

Voi Gold sơ sinh cùng đoàn cứu hộ băng rừng suốt 15 ngày đêm để tìm voi mẹ. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Vậy là cuộc sống mới không có bố mẹ và đồng loại của chú voi con bắt đầu từ đây. Chú phải làm quen với những người bạn mới, những người đã hành trình với chú trong thời gian tìm mẹ vừa qua.


"Khẩu phần" mỗi lần ăn những ngày đầu của voi Gold sơ sinh là cả lít sữa trẻ em. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á

Chú voi con được Trung tâm bảo tồn voi đặt tên là GOLD với mong muốn mọi điều tốt đẹp nhất sẽ đến với cuộc sống của chú. Từ đó đến nay Gold được chăm sóc tại khu bán hoang dã của Trung tâm tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.


Chăm sóc “món quà từ trên trời rơi xuống”


Tròn 1 năm chăm sóc chú voi sơ sinh mất mẹ, các cán bộ Trung tâm Bảo tồn voi đã như “người mẹ hiền”, tận tình nâng niu từng bữa sữa cho con.

Nuôi voi mồ côi là công việc cực kỳ khó khăn, hơn nữa cá thể voi này còn quá nhỏ, từ trước đến nay tại Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung chưa từng nuôi sống cá thể voi con nào. Để nuôi sống Gold, thách thức đặt ra cho Trung tâm bảo tồn voi là rất lớn. Vì vậy từ lúc cứu hộ đến nay, đội ngũ nhân viên của Trung tâm bên cạnh việc tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng còn tích cực học hỏi kinh nghiệm chăm sóc voi mồ côi của các chuyên gia hàng đầu thế giới về voi, các Trung tâm bảo tồn voi trên thế giới và khu vực.


Việc tìm hiểu loại sữa nào phù hợp với Gold cũng mất thời gian dài, sau thời gian thích nghi với loại sữa ban đầu Gold đã bị vấn đề về tiêu hóa sữa. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia, cụ thể: Tiến sỹ SuSan, tiến sỹ Willem, Erin, Tiến sỹ Ellen, Tổ chức Động vật Châu Á đã đưa ra những giải pháp hữu ích. Các bác sỹ thú y của Trung tâm đã thay đổi sữa và bổ sung khẩu phần ăn của Gold.

 

Sau giai đoạn sữa, voi con Gold được tập "ăn dặm", như những em nhỏ. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á.

Lần hồi vậy rồi 1 năm đã trôi qua. Hiện nay khẩu phần ăn của Gold là mỗi ngày 2 hộp sữa Lactogen 2 (900 g) của Nestle, pha cùng nước dừa, nước gạo và các thức ăn bổ sung tập ăn như: dưa leo, táo, chuối, khoai lang, cỏ. Ngoài thời gian Gold ngủ buổi trưa, buổi tối, hầu như chú được thả cho đi chơi tự do quanh khu bán hoang dã và việc đi lại nhiều cũng giúp phát triển xương của Gold. Chàng “thanh niên” đi chơi tối nhưng luôn có nhân viên của Trung tâm đi cùng. “Chăm sóc Gold đòi hỏi phải túc trực 24/24”- bác sỹ Thú y Nguyễn Công Chung cho biết.

Gold thích nhất là những lúc được "đi dạo", vui đùa cùng các cán bộ cứu hộ và động vật nuôi tại Trung tâm. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á.

Hiện nay trụ sở Trung tâm  Bảo tồn voi Đắk Lắk đang xây dựng nên mọi người đang ở tạm ngôi nhà nhỏ gần voi Gold và Jun (cá thể voi 6 tuổi cứu hộ năm 2015) nên đời sống còn thiếu thốn. Người và động vật sống gần như chung trong một không gian, cùng chia sẻ những vất vả.


Sống trong không gian chung như vậy, Gold như một chú bé nghịch ngợm, đặc biệt thích vào nhà ở của các nhân viên. Khi thả xích buộc ra voi ra, các cán bộ Trung tâm phải đóng cửa nhà để tránh Gold vào nhà húc đổ đồ đạc. Nhưng là một cậu bé hiếu động, cậu ta luôn tìm mọi cách để vào nhà. Với trí thông minh và khả năng ghi nhớ tốt như đặc tính của loài, chú nhanh chóng tìm ra “quy luật vào nhà”. Gold khi còn bé thấy cửa đóng thì bỏ đi không tìm cách vào nhà, nhưng khi lớn hơn vài tháng, quan sát khi thấy mọi người vẫn mở/ đóng cửa khi đi ra đi vào nên cậu biết rằng cửa đóng vẫn vào nhà được. “Quay đi quay lại, chúng tôi cứ sơ hở là Giold lại dùng đầu mông hoặc cả người húc vào cửa. Máy quạt, thùng nước, ghế… đã nhiều lần bị cậu ấy làm hỏng” – nhật ký của bác sỹ Thú y Nguyễn Công Chung không ít lần ghi lại những lần “vi phạm nội quy” rất đáng yêu của chú voi ngộ nghĩnh này.


Vì không có người thân bên cạnh nên với Gold những nhân viên chăm sóc là người thân của mình. Hễ thả ra mọi người đi đâu là Gold đi theo đó, trong lúc đi chơi cậu chàng rất thích chạy đuổi theo, nô đùa với mọi người.


 

 

Đùa nghịch như một đứa trẻ. Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á.

"Gold (voi con 1 tuổi) và June (khoảng 4 tuổi) là hai "báu vật" và là hai cá thể voi đang được Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk cứu hộ, chăm sóc, và nuôi dưỡng” - Tổ chức Động vật Châu Á với tư cách là một đơn vị hỗ trợ kỹ thuật và chăm sóc voi con Gold cho biết.


Qua 1 năm được chăm sóc chu đáo, hiện nay Gold phát triển tốt, cân nặng được 250 kg, cao gần 130 cm.Ảnh: Tổ chức Động vật Châu Á.

Hai “báu vật” trời sinh là voi Gold và voi June hẳn không biết được, hành trình của những cán bộ, bác sĩ, chuyên gia… vật lộn nâng niu từng bữa ăn, cơn ốm của các chú, đã và đang nuôi dưỡng nên một “báu vật” nữa, không nhìn thấy được. Đó là tình cảm gắn bó giữa những con người nhân ái với động vật và giới tự nhiên quanh mình.

 

..."Để Gold có được cuộc sống đến ngày hôm nay ngoài nỗ lực không biết mệt mỏi của nhóm chăm sóc cứu hộ voi Jun và Gold, Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ các Tổ chức chăm sóc voi quốc tế (Elephant Care International), Tổ chức phúc lợi động vật hoang dã (Wild Welfare), Vườn thú North Carolina và đặc biệt là Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) đã trực tiếp hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật trong quá trình cứu hộ và chăm sóc voi đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí cho các chuyên gia và mua các dụng cụ hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk"....

(Nhật ký của bác sĩ Thú y Nguyễn Công Chung)


 

Thùy Hương/ Báo Tin Tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN