Hành trình đi tìm hài cốt các nhà báo-liệt sĩ

Mỗi lần nhìn hình mộ và đọc mấy câu thơ của người bạn viết: “…Rừng xanh mãi tuổi đôi mươi Ru em bằng tiếng suối chơi vơi nguồn…” Chúng tôi lại thấy nhớ thương các Nhà báo- Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Đã 43 năm trôi qua, có thể họ vẫn nằm đâu đó trong cánh rừng của tỉnh Attapư – Nam Lào. Điêù đó thôi thúc chúng tôi bằng tình cảm và trách nhiệm đi tìm kiếm hài cốt các bạn của mình .

Bộ đội Lào đưa Đoàn tìm kiếm vào rừng bản bùng Kẹo (Hàng đầu từ trái qua phải: Nguyễn Đăng Chiến-TTXVN, Đội trưởng K53, tác giả bài viết, Bộ đội Lào và Chính trị viên Đội K53; Hàng sau: Đại diện dân bản Lào và chuyên gia tìm kiếm HCLS Đội K53 KonTum)

Những người đã hy sinh

Nhớ lại, lúc 10 giờ 10 phút ngày 2/4/1973, chuyến xe định mệnh chở 33 người, (trong đoàn quân hơn 120 nhà báo vừa học lớp GP10-VNTTX (nay là TTXVN) tiến vào chiến trường Nam Bộ bị lật nhào, 3 người chết, 8 người bị thương nặng, 21 người bị thương nhẹ). Tổn thất to lớn quá! Mọi người khóc nhiều và nhìn nhau đau buồn!

Theo nhật ký và trí nhớ của anh chị em lớp GP10: xe bị lật chỉ cách Trạm 79 khoảng 3 đến 5 km (79 là phiên hiệu một tram giao liên quân sự thuộc Binh trạm 37, đường dây 559, trên đường mòn Trường Sơn thời kỳ chống Mỹ (hay còn gọi đường Hồ Chí Minh) đi trên đất Attapư – Nam Lào.

Khi xe bị lật, hất tung tất cả những người trên xe xuống đất, rồi xe lại bật trở lại ở thế quay đầu tại một địa điểm trên con đường đất đỏ cấp phối rộng 5-6 mét bằng phẳng, có nhiều sỏi nhỏ. Những người bị thương được đưa sơ cứu ở Trạm 79, sau đó mới chuyển sang Y xá 78 (Trạm 78) bên dòng sông SêKong.

Còn 3 người hy sinh sau đó được mai táng ở một nghĩa trang trên một gò đất bằng phẳng trong khu rừng nhiều cây gỗ khộp và săng lẻ, gần đường, chỉ cách bờ sông SêKong và Trạm 79 khoảng 1-2 km (mộ phóng viên Phạm Thị Kim Oanh ở giữa, mộ phóng viên Trần Viết Thuyên và chú Trần Văn Bang ở 2 bên). Nơi mai táng 3 liệt sĩ này cũng đã có nhiều mộ của những người chết từ trước khi hình thành một nghĩa trang.

Hình ảnh các phóng viên Phạm Thị Kim Oanh và Trần Viết Thuyên không bao giờ phai nhạt trước các thế hệ làm báo của TTXVN. Nhiều người vẫn nhớ về Oanh, quê nội ở xã Thành Công, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Oanh da trắng, dáng cao dong dỏng, lúc nào cũng có hai bím tóc xoăn thả xuống bờ vai; học giỏi, đánh bóng bàn vợt dọc cũng giỏi. Oanh thuộc diện không phải đi B nhưng cứ đòi đi bằng được để thực hiện ước mơ; chưa viết một dòng tin thì đã hy sinh.

Còn Thuyên quê xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; mọi người thường khen Thuyên đẹp trai, nhanh nhẹn, hoạt bát, học giỏi. Thuyên biết làm thơ khi mới học lớp 7 trường làng và giàu lòng thương người. Khi học lớp phóng viên GP10 để đi chiến trường đã nặng lòng yêu cô bạn cùng lớp quê quan họ Bắc Ninh.

Đang hăm hở với nhiều ý tưởng cao đẹp thì đã phải hy sinh. Người bạn gái ấy sau này cũng dành nhiều tình cảm và công sức hy vọng đi tìm hài cốt của Thuyên, nhưng chưa thực hiện được thì đột ngột ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo.

Còn chú Trần Văn Bang, khi ấy gần 50 tuổi, quê ở Bến Tre, trước khi đi chiến trường là Giám đốc nhà máy giấy Vạn Điểm, cùng rèn luyện với chúng tôi ở Trường 105 Hòa Bình, khi đi được phân công làm Chi trưởng chi 7 (phần đông là phóng viên tin) để vào chiến trường Nam Bộ.

Chú là một cán bộ quản lý doanh nghiệp giỏi, có nguyện vọng trở về xây dựng quê hương sau giải phóng và hy vọng gặp người con gái duy nhất của mình là bác sĩ đang công tác trong vùng giải phóng, nhưng chưa đạt ý nguyện thì đã hy sinh.

Trong số 149 người học lớp phóng viên GP10 thì hơn 120 người được tung vào các chiến trường từ Trị Thiên đến Cà Mau; có 2 người là Liệt sĩ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa viết một dòng tin.

Ông Đỗ Phượng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN đã nói và viết trong cuốn sách “70 năm TTXVN” về lớp phóng viên GP10 như sau. “Lớp GP10 có 3 điều đặc biệt là: lớp học đặc biệt (vì được ưu tiên tuyển chọn từ các trường đại học); đi làm công tác đặc biệt (chỉ đào tạo cho chiến trường); phục vụ nhiệm vụ đặc biệt (chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước)”.

Bộ đội Lào chở Đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vượt sông SêKong.

Kết nối với Đội K53 Kon Tum

Những năm qua, việc tìm kiếm hài cốt 3 liệt sĩ Oanh, Thuyên và chú Bang luôn được anh chị em GP10 nhắc đến nhưng chưa biết bằng cách nào để sang được Attapư (Lào). Thương nhớ nhưng đành chịu!

Đến giữa năm 2015, thông qua Facebook và email, chúng tôi kết nối được với Đội K53 Kon Tum là lực lượng chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh ở Campuchia và Lào (gọi tắt là K53 Kon Tum), thuôc Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Kon Tum (đặt một Tổ ở khu vực Attapư).

Chúng tôi bước đầu cung cấp cho họ các thông tin phục vụ cho việc tìm kiếm các liệt sĩ của TTXVN. Rồi đến đúng ngày giỗ 3 liệt sĩ trên (2/4/2016) thì tôi nhận được thông tin của trung tá Lê Công Khoa, Đội trưởng Đội K53, đồng ý mời người biết việc này sang để cùng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ của TTXVN mai táng ở Attapư.

Mà phải đi từ 15 đến 25/4/2016, vì từ tháng 5 ở Lào bắt đầu là mùa mưa, Đội K53 cũng sẽ rút quân về nước. Trong khi đó theo kế hoạch đã định từ trước, từ ngày 6 đến 14/4/2016, Đoàn 30 phóng viên GP10 sẽ thăm chiến trường xưa của TTXGP Khu 5 ở Hiệp Đức (Quảng Nam)? Gấp quá, sợ không đủ thời gian để chuẩn bị. Nhưng nghĩ lại cũng không thể bỏ lỡ cơ hội hiếm có khi được Đội K53 KonTum đồng ý giúp đỡ đưa sang Attapư tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Mặc dù chỉ mới quen biết Lê Công Khoa (Đội trưởng) và Trịnh Mạnh Đạt, Đội phó (phụ trách chuyên môn của K53 Kon Tum) qua điện thoại, Facebook và email, nhưng tôi vẫn nhận lời sẽ cùng đi. Tôi nói với Khoa và Đạt: Đây là việc rất quan trọng, để phải xin ý kiến Lãnh đạo TTXVN có cho đi hay không? Và có thể cho lùi ngày đi là 20/4, chứ không thể đi vào ngày 15 được.

Khoa đồng ý! Ngày 3/4 tôi gọi điện trao đổi lại việc này với chị Ngô Thị Kim Oanh, Phó trưởng Ban Tổ chức Cán bộ TTXVN là người từ trước đến nay cũng rất quan tâm tới việc đi tìm hài cốt liệt sĩ; đồng thời thảo thư đề nghị xin ý kiến Lãnh đạo TTXVN cho thành lập Đoàn sang Attapư (Lào) cùng Đội K53 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Cũng rất nhanh chóng, ngày 4/4, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi đồng ý cho tổ chức Đoàn công tác sang Lào tìm kiếm mộ liệt sĩ. Tôi và Nguyễn Đăng Chiến thay mặt cho lớp GP10 và thân nhân Liệt sĩ nhận trách nhiệm này. Tranh thủ ngày 5/4, chúng tôi đi làm Hộ chiếu và được hẹn 10 ngày sau (15/4) đến lấy.

Bước đầu thuận lợi, biết sẽ đi được. Tôi gọi điện nói với Khoa và Đạt: đúng ngày 19/4, chúng tôi sẽ có mặt ở Kon Tum để đi Attapư. Lo xong thủ tục, tôi và Đăng Chiến yên tâm tham gia Đoàn đi thăm miền Trung đến 10 giờ tối 14/4 mới về.

Ngày 15/4, đúng hẹn đi lấy Hộ chiếu; chuẩn bị tư trang cá nhân để rồi lên đường. Viết lại chi tiết để thấy rằng: Nếu không tranh thủ thời cơ, thời gian, quyết định giải quyết các việc khẩn trương và dứt khoát thì công việc khó mà thành được.

Đây là việc tâm linh nên trước ngày đi, chúng tôi đã đến bia tưởng niệm các Liệt sĩ của TTXVN tại số 5- Lý Thường Kiệt, Hà Nội thắp hương, xin các Liệt sĩ chỉ lối, dẫn đường, phù hộ cho có sức khỏe để thực hiện ý nguyện. Đồng thời, cũng điện thoại thông báo để thân nhân liệt sĩ Oanh và Thuyên biết cùng phối hợp, hương khói cho họ, để chúng tôi đi bình an và gặp may mắn.

Bữa cơm trong những ngày đi tìm hài cốt liệt sĩ trong rừng Attapư.

Ngày 18/4, chúng tôi vào Gia Lai, rồi sáng 19 xuống Kon Tum. Đúng hẹn, cùng ngày, trung tá Lê Công Khoa, Đội trưởng K53 từ Lào về KonTum và hẹn sáng 19/4 đến gặp chúng tôi tại Cơ quan thường trú TTXVN tại tỉnh Kon Tum (Hoàng Cao Nguyên, Trưởng cơ quan thường trú tại KonTum và Nguyễn Sỹ Huynh, nguyên là phóng viên GP10 đang sinh sống ở thành phố Pleiku, Gia Lai cùng dự).

Gặp Lê Công Khoa, mừng quá, ngay trưa hôm đó chúng tôi gặp thêm một số cán bộ của Đội K53 cũng đang chuẩn bị để ngày mai cùng đi Attapư. Lê Công Khoa từ Lào về cũng là để báo cáo với Lãnh đạo BCHQS tỉnh Kon Tum về việc Đội K53 tổ chức đợt tìm kiếm 3 liệt sĩ của TTXVN.

Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi gặp Đại tá Đỗ Thanh Xuân, Chính ủy BCHQS tỉnh Kon Tum, đề nghị BCHQS tạo mọi điều kiện giúp đỡ việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của TTXVN tại Attapư mang lại kết quả. Đồng chí Chính ủy BCHQS tỉnh và các đơn vị chức năng tỏ vẻ hài lòng về tình cảm của chúng tôi với đồng đội đã hy sinh, nay quyết tâm đi tìm kiếm; đồng thời rất hoan nghênh về sự phố hợp này.

Chúng tôi được mượn balô, giày, tăng, võng... của quân đội để cùng Đội K53 lên đường. Dù biết rằng những ngày tới sẽ vất vả, phải băng sông, vượt suối, ngủ trong rừng, chịu đựng cái nắng nóng trên 40 độ của vùng Nam Lào, ăn uống kham khổ để đi tìm mộ đồng đội. Nhưng bước đầu mọi việc xuôn sẻ và như được sắp đặt từ trước nên cũng thấy vui.

Đúng ngày 20/4, chúng tôi cùng các cán bộ của Đội K53 từ Kon Tum đi Áttapư trên con đường hơn 200 km mới được nâng cấp rải nhựa xuyên qua nhiều cánh rừng, đèo, dốc và bắt đầu thấy cái nóng trên 40 độ của Nam Lào. Xe ô tô 5 chỗ, nhưng 6 người đi nên phải thay nhau ngồi nhích lên xuống cho đỡ mỏi khi qua những đoạn đường khó.

Trên đường đi, Lê Công Khoa và Nguyên Văn Cỏn (chính trị viên của Đội) giới thiệu cho biết, mấy năm gần đây, Hoàng Anh Gia Lai sang Lào cùng bạn phát triển kinh tế nên đường từ cửa khẩu Bờ Y đến thị xã Attapư được nâng cấp rải nhựa, đi lại thuận lợi hơn. Còn từ trước 2005 sang đến Mường Mày (nay là thị xã Áttapư) phải mất hơn một ngày rất mệt, vì toàn đường rừng khó đi.

Đến 4 giờ chiều thì cũng tới chỗ đóng quân của Đội K53 ở thị xã Áttapư ( một tổ gồm 15 cán bộ chiến sĩ, thuê một nhà sàn của dân để làm chỗ nghỉ). Thời điểm này ở Áttapư rất nắng và gió nóng, ở nhà lợp mái tôn nên không ai dám ở bên trong, phải căng võng dưới sàn nhà chỉ cao khoảng 1 mét để ngủ.

Nhìn cảnh này, tôi chợt thấy lo lắng về sức khỏe, không biết có chịu nổi nắng nóng thế này không ? Nhưng lại vui ngay vì thấy thiếu tá Trịnh Mạnh Đạt và đại úy Nguyễn Thành Trung (đều là Đội phó của K53 đang làm việc bên đất bạn) và anh em đã phải chịu nắng nóng thế này từ rất lâu.

Trung làm Tổ trưởng chỉ huy tổ ở Attapư. Còn Đạt là bộ đội chuyên nghiệp công tác ở Đội K53 Kon Tum từ khi thành lâp (1995), được mọi người quý mến, và còn là “linh hồn” của toàn Đội K53 trong việc tìm kiếm các hài cốt Liệt sĩ.

Đạt giỏi tiếng Lào, có mối quan hệ rất mật thiết với Ban công tác đặc biệt của BCHQS tỉnh Áttapư và nhân dân các thôn bản Lào nên anh em được nhờ. Đạt đã tham gia tìm và quy tập hàng nghìn mộ Liệt sĩ trong suốt 20 năm ở Lào và Campuchia nên vừa vinh dự được VTV mời là khách tham gia chương trình “Người đương thời” tìm kiếm quy tập các hài cốt liệt sĩ- bộ đội Việt Nam ở các tỉnh Nam Lào.

Thực ra, công việc tìm hài cốt Liệt sĩ Oanh, Thuyên và chú Bang được đề xuất từ lâu, nhưng chưa được thực hiện. Năm 2005, chúng tôi đã tìm gặp anh Thảo ở Đan Phượng- Hà Nội là bộ đội nhiều năm ở Binh trạm 37 (có tham gia việc mai táng các Liệt sĩ, cũng là người biết khá rõ đường đất ở khu vực Attapư).

Anh Thảo vẽ cho sơ đồ khu vực chôn cất các LS ở Binh trạm 37 mà chúng tôi giữ đến hôm nay để mang đi. Đồng thời cuối năm 2005, cơ quan TTXVN có công văn thông qua Cục Chính sách Bộ Quốc phòng gửi BCHQS tỉnh và Đội K53 Kon Tum đề nghị tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ của TTXVN ở Attapư.

Chúng tôi cũng cung cấp thêm cho Đội K53 các thông tin và sơ đồ về chỗ mai táng 3 Liệt sĩ trên. Nhưng do gặp nhiều khó khăn của việc tìm kiếm nên từ đó cơ quan cũng chưa nhận được thông tin phản hồi.

Hành trình đi tìm Trạm 79 nơi mai táng các Liệt sĩ

Đợt này, kết nối chặt chẽ và có người là đại diện của TTXVN tham gia nên việc tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ của TTXVN được BCHQS tỉnh Kon Tum chỉ đạo tiến hành thành một đợt tập trung từ ngày 21 đến 27/4. Tổ chức thực hiện tìm kiếm là Đội K53 KonTum, có sự giúp đỡ của Ban công tác đặc biệt BCHQS tỉnh Attapư và nhân dân Lào.

Thị xã Áttapư trước 1975 ở Mương Cầu, sau này chuyển về thị trấn Mường Mày (thị xã Áttapư nay), cách Mương Cầu cũ khoảng 15 km. Thị xã Áttapư nay hình như cái dạ dày, có sông SêKong lượn quanh một bên để bảo vệ; một bên là dãy núi Pu Luổng chạy song song với sông SêKong từ phía Salavan xuống huyện Sả Nậm Say.


Khi Trịnh Mạnh Đạt hỏi xe đổ trên đường mọi người có nhìn thấy dãy núi Pu Luổng không thì chúng tôi không trả lời được. Vì trong nhật ký và sơ đồ chỉ nói đến thị trấn Mường Mày và Sông SêKong, không thấy ai nhắc tới dãy núi Pu Luổng cũng chạy song song với đường và sông SêKong xuôi về phia Nam?

Chính vì thị xã Attapư đổi mới và đường đi cũng mở rộng hơn, lại thiếu thông tin nên việc xác định đường và rừng để đi tìm Trạm 79 như “đáy bể tìm kim”, hỏi nhân dân ở các bản cũng không ai biết Trạm 79 là gì, ở đâu?

Tham gia Đoàn tìm kiếm gồm toàn thể Ban lãnh đạo Đội K53 cùng một Tổ công tác gồm 18 cán bộ, chiến sĩ của Đội K53 ở Áttapư. Về phía Lào, có Trung tá BunMa, Trưởng Ban đối ngoại BCHQS tỉnh Attapư cùng một số cán bộ chiến sĩ Tiêủ đoàn 21 và giúp đỡ của nhân dân các bản Lào nơi đến. Đoàn đã tiến hành khảo sát tìm kiếm các mộ Liệt sĩ trong khoảng 200 km, trên phạm vi nhiều bản, nhiều cánh rừng thuộc tỉnh Áttapư.

Về phía Nam, bắt đầu tìm kiếm trên tuyến đường và rừng dọc theo sông SêKong từ thị xã Attapư đi huyện Sả Nậm Say, qua rất nhiều bản ( Khăn Mặc Nao, Pùng Kẹo, Tà Ngầu, Xỏm Poi, My Say, Khum Khăm, U Đôm Súc, Bản Khăng, Bản Pui, Bản Vân Khen…) để tìm ra Trạm 79- nơi chôn cất các liệt sỹ.

Ngày đầu, Đoàn đã vào khu rừng ở Bản Mường Cuông ( nay là Bùng Kẹo) thuộc huyện Sả Nậm Say để tìm Trạm 79, đã đến một nghĩa trang chôn cất các LS. Nhưng các mộ này đã được quy tập từ những năm trước 2005.

Như vậy, Đội K53 đã vào đến nghĩa trang của Binh trạm 37, nơi có khoảng 30 mộ chôn cất bên sông SêKong (Attapư), bên kia là là bản Bùng kẹo, có bến vượt sông (ngày xưa là bản Muồng Cuông) khớp với sơ đồ. Nhưng các mộ này, năm trước khi Đội K53 vào tìm (2006) thì đã được quy tập. Hiện không rõ là đơn vị nào đã quy tập và đã đưa về đâu?

Đêm nay ngủ lại trong rừng. Khoảng 9 h tối, bỗng nhiên trời giông gió rất mạnh, cành cây gẫy răng rắc. Sự kiện thời tiết lạ ở rừng, cả đêm không ngủ, tôi tự nhiên nghĩ đến như là điềm báo của các Liệt sĩ đang ở đâu đây? Cố lục trí nhớ xác định Trạm 79 và 78 ở chỗ nào để ngày mai lại đi tìm?

Rừng thì không thay đổi nhiều, nhưng nay có nhiều đường đi lại, nâng cấp rộng hơn, dân đến bám đường ở từ sau năm 1975 rất đông nên rất khó xác định vị trí đoạn đường xe đổ và Trạm 79. Hai ngày chịu nắng nóng trên 40 độ, mệt mỏi mà không sao ngủ được, chỉ mong chóng sáng để ngày mai chúng tôi lại tiếp tục công việc, mong tìm được đồng đội.

Đã 43 năm trôi qua, biết bao sự đổi thay, chúng tôi cũng chỉ một lần đi qua, có rất ít tư liệu về Trạm 79 ở Attapư. Sau 3 ngày không thể tìm ra vị trí Trạm 79 để xác định nơi chôn cất các Liệt sĩ cạnh sông Sêkong, chúng tôi đã kết nối Facebook và điện thoại với anh chị em GP10 ở trong nước để nắm thêm thông tin.

Đoàn tìm kiếm đến một nghĩa trang nghi là nơi chôn cất các liệt sĩ ở trạm 79, nhưng các mộ ở đây đã được quy tập, chỉ còn thấy những hố chôn đã đào từ lâu.

Vợ chồng Vũ Long Sơn và Vương Nghĩa Đàn nhận được đề nghị cũng rất nhiệt tình, trời mưa to vẫn vào Bảo tàng Hồ Chí Minh tra cứu tư liệu tìm Trạm 79, đồng thời liên hệ với ông Võ Sở ( Thiếu tướng – nguyên phó Tư lệnh bộ đội Trường Sơn 559) để may ra ông có biết Trạm 79? Rồi Lê Cương, Lê Hoàng Anh, Khuất Thế Dũng, Hoàng Đình Chiến và nhiều anh em khác cung cấp thông tin. Nhưng do không đủ thông tin và chỉ dẫn các khoảng cách khác nhau so với thực tế nên không thể xác định được Trạm 79.

Ở phía Bắc Attapư, thông tin vị trí Trạm 79 cũng rất khác nhau, nhưng Đoàn cũng vẫn đi khảo sát tìm kiếm vị trí của Trạm 79 theo hướng dẫn của ông Võ Sở và của Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Trạm 79 trên đường 49, có dốc Trực, sông Sê ka mán) nhưng quá xa Áttapư hiện nay nên cũng không có kết quả.

Sau lại có thông tin Trạm 79 ngày xưa cách Áttapư 20 km, chúng tôi lại cùng Trung tá Bun Ma (BCHQS tỉnh Attápư) và Trịnh Mạnh Đạt (chuyên gia tìm kiếm của K53) đi tìm, đã đến và gặp cơ sở dân ở 3 bản Úc, bản Pui và bản Khăng (từ km 17 đến 25) theo đường từ Attápư chạy song song với sông SêKong xuôi hướng CPC để tìm, nhưng cũng không có kết quả. Chỉ dẫn là vậy nhưng đã 43 năm, rừng Áttapư vẫn còn nhiều, dân cũng đã ở đông, nhưng họ đều không biết gì về Trạm giao liên 79 của bộ đội Việt Nam ngày chiến tranh.

Các cuộc khảo sát trên nhằm tìm ra Trạm 79 để từ đó xác định được nghĩa trang chôn cất các Liệt sĩ năm 1973. Tuy nhiên do thực tế hiện nay thay đổi rất nhiều so với trước đây nên các cuộc khảo sát chưa đem lại kết quả như mong muốn. Trở lại Kon Tum, chúng tôi đã gặp Đại tá Trần Thế Thiết, Phó Chính ủy BCHQS tỉnh để báo cáo lại quá trình tìm kiếm. Cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của lãnh đạo BCHQS tỉnh, thực hiện công việc của Đội K53 về đợt tìm kiếm này .

Thiếu tá Trịnh Mạnh Đạt tham gia tìm mộ liệt sĩ ở các tỉnh Nam Lào gần 20 năm, cho biết: Việc quy tập các mộ Liệt sĩ ở khu vực Attapư đã đưa về nước là rất cao. Vì các mộ ở khu vực gần đường, gần sông, gần thị xã Attapư, nhiều dân đến ở, trong nhiều năm qua đã được các đơn vị bộ đội rà soát quy tập và nhân dân Lào cũng tham gia chỉ mộ để lấy thưởng nên hiện nếu còn chỉ là những mộ lẻ ở nơi sâu xa trong rừng.

Riêng Bộ CHQS tỉnh Attapư cũng đã quy tập 108 mộ của bộ đội Việt Nam đưa về mai táng ở Nghĩa trang Cây số 3 thị xã Attapư, vừa bàn giao cho Việt Nam đưa về Nghĩa trang Ngọc Hồi, tỉnh KonTum. Cũng không loại trừ 3 liệt sĩ Oanh, Thuyên và Chú Bang đã được đưa về đây nên chúng tôi đến Nghĩa trang Ngọc Hồi tra cứu với hy vọng mong manh.

Nghĩa trang quốc tế này hiện có 1.400 mô quy tập các liệt sĩ hy sinh ở Lào và Campuchia, nhưng chỉ hơn 200 mộ có tên. Riêng quy tập từ Attapư và các tỉnh Nam Lào đưa về đây mấy trăm mộ nhưng chỉ rất ít mộ có danh tính, hầu hết các bia mộ đều ghi “chưa xác định được tên”. Đến Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai tra cứu tìm kiếm 3 liệt sĩ Oanh, Thuyên và Chú Bang nhưng không thấy danh tính.

Tạm thời kết thúc một đợt đi tìm hài cốt liệt sĩ Phạm Thị Kim Oanh, Trần Viết Thuyên và chú Trần Văn Bang với kết quả chưa như mong đợi. Nhưng đợt đi này cũng là trải nghiệm để hiểu hơn về việc đi tìm hài cốt liệt sĩ vô cùng khó khăn, phức tạp, như “đáy bể mò kim”.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với cơ quan TTXVN vẫn tiếp tục kết nối để tìm ra vị trí của Trạm 79 để từ đó xác định 3 liệt sĩ trên đã được quy tập hay chưa ? Chúng ta sẽ tiếp tục kết nối tìm kiếm những người là bộ đội đã từng công tác lâu năm ở Trạm 78, Trạm 79 thuộc Binh trạm 37 đường mòn Hồ Chí Minh khu vực Attapư để biết cụ thể vị trí Trạm 79, từ đó có thể sẽ biết rõ chỗ chôn cất các liệt sĩ.

Trước mắt sẽ tìm gặp những người như anh Gia đã làm Trưởng Bênh xá Khu vực Attapư; anh Ích, anh Úy, anh Sơn là y sĩ ở Y xá 78; các y tá Liên, Nga, Len, Lập, Hà; anh Thảo ở Binh trạm 37 và những người khác ở Trạm 79 những năm 1973-1975 để từ đó tìm ra chỗ mai táng các LS trên ở Trạm 79. Mong mọi người tiếp tục cung cấp thông tin để Đội K53 KonTum giúp tìm kiếm trong năm 2017.

Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Thủy
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng
Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Giải phóng

Ngày 12/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam và Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam tổ chức kỷ niệm 55 năm Thông tấn xã Giải phóng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN