Cụ thể, hộ gia đình ông Trần Văn Chung, cư trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp bằng việc đổ đất thải, phế liệu xây dựng lên toàn bộ diện tích 2.027m2 đất nông nghiệp với mục đích làm bãi đỗ xe. Ghi nhận thực tế tại khu đất trên, gia đình ông đã đặt nhiều máy móc với những thùng container và hàng rào bảo vệ, trong khi bên cạnh là những ruộng lúa, hoa màu khác.
Ông Nguyễn Đức Khoa, Chủ tịch UBND xã Song Phương cho biết, sau khi phát hiện vi phạm UBND xã đã làm việc với đại diện gia đình ông Chung. Theo đó, UBND xã yêu cầu gia đình ông phải tự tháo dỡ và di chuyển toàn bộ container cũng như máy móc đi nơi khác trong thời gian sớm nhất; đồng thời sử dụng đất được cấp theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp gia đình ông không tự tháo dỡ, chính quyền xã Song Phương sẽ thực hiện cưỡng chế theo quy định.
Hoài Đức là huyện ngoại thành Hà Nội đang trong quá trình thực hiện các thủ tục lên quận vào năm 2020 nên trên địa bàn xuất hiện một số hộ dân tự ý xây dựng công trình hoặc sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích, gây khó khăn cho công tác quy hoạch và quản lý đất đai.
Theo UBND huyện Hoài Đức, từ đầu năm 2019 đến nay, huyện phát hiện khoảng 30 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp có sản xuất, nhưng nằm xen kẽ trong khu dân cư. Huyện đã chỉ đạo các xã xử lý giải tỏa được hơn 20 trường hợp, số còn lại đang trong quá trình xử lý và nếu người dân cố tình vi phạm sẽ cưỡng chế giải tỏa theo quy định.
Ông Nguyễn Quang Đức, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, huyện quán triệt tới từng lãnh đạo xã, thị trấn phải coi ngăn chặn vi phạm trật tự xây dựng, đất đai là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, địa phương sẽ phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ vi phạm.
"Trong trường hợp các địa phương để vi phạm mới phát sinh mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và pháp luật", Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức nhấn mạnh. Ông cho biết thêm, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng nói chung và vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp nói riêng là rất khó khăn, nhiều trường hợp vi phạm tồn tại từ trước khi có Luật Đất đai năm 2013. Nếu phù hợp với quy hoạch sẽ được huyện phân loại để giải quyết theo quy định hiện hành, còn những trường hợp vi phạm khác sẽ được huyện xử lý kiên quyết trong thời gian tới.