Ngao ngán vì ế hàng
Tại một số chợ ở Hà Tĩnh như chợ Cầu Phủ, chợ trung tâm thị xã Kỳ Anh… hầu hết bày bán các loại thủy sản nước ngọt như cá trắm, cá mè... Các loại cá biển bày bán còn ít và vắng khách.
Tại chợ Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh), gian hàng bán thủy hải sản rộng khoảng 300 m2 nhưng hầu hết đều bán cá nước ngọt. Chỉ có khoảng 5 - 7 người bán hải sản biển nhưng ít khách đến mua. Một tiểu thương cho biết, trước thời điểm cá chết, chị bán chỉ một buổi là hết 1 tạ cá biển. Từ ngày công bố Formosa xả thải gây nhiễm độc biển làm cá chết, mỗi ngày chỉ bán được vài chục kg.
Tại Quảng Trị, tình hình tiêu thụ hải sản cũng không khá khẩm hơn. Có mặt tại chợ cá Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) vào một buổi sáng cuối tháng 7, phóng viên ghi nhận tình hình rất vắng vẻ. Ở chợ cá trước kia có từ 40 - 50 hộ kinh doanh mặt hàng hải sản thì nay chỉ còn 3 người.
Phơi khô cá sau đánh bắt tại Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN |
Ở cảng cá Cửa Tùng, gần đây tàu thuyền ra vào có tấp nập hơn, chủ yếu đánh bắt cá nục từ khoảng 13 hải lý trở ra. Nhưng cá khi đưa vào bờ, cũng chỉ bán cho thương lái để sản xuất bột cá hoặc đưa vào lò hấp sấy chứ ít người mua về ăn. Một người dân tại Cửa Tùng cho biết, người dân vẫn cảm thấy lo khi ăn cá biển.
Không chỉ có hải sản đánh bắt từ biển về khó tiêu thụ mà một số loại cá mặc dù được nuôi trong đất liền cũng “vạ lây”. Hàng trăm tấn cá lồng nuôi tại vùng đầm phá Tam Giang (Thừa Thiên - Huế) đã “quá lứa” hơn 2 tháng nhưng không biết bán cho ai. Người nuôi cá đang rất thấp thỏm bởi mỗi ngày số tiền mua thức ăn cho cá không hề nhỏ.
Do có sự nhầm lẫn giữa cá biển với cá đầm nên nhiều tháng nay, khách hàng quay lưng với cá lồng đầm phá Tam Giang. Tính riêng 2 xã giáp cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc) là Lộc Bình và Vinh Hiền đã có hơn 350 hộ chuyên nuôi cá lồng đặc sản, trên quy mô khoảng 2.000 lồng, với tổng lượng cá thương phẩm lên đến hàng trăm tấn nhưng hiện bị tồn đọng.
Giá cá nuôi thịt đã hạ hơn một nửa so với năm ngoái, ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người hỏi mua. Mỗi ngày, từng hộ dân vẫn phải tốn cả triệu bạc tiền nuôi cá mà vẫn mông lung về đầu ra.
Tiếp tục các điểm bán hải sản an toàn
Nhằm hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản, các địa phương đang nỗ lực tìm kiếm đầu ra, cũng như kết nối và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ hải sản như chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hỗ trợ ngư dân đưa hải sản vào các điểm thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ bảo đảm an toàn; đồng thời chỉ đạo các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối kết nối các điểm thu mua hải sản đánh bắt được chứng nhận an toàn với hệ thống các cơ sở chế biến, phân phối, tiêu thụ trên địa bàn.
Ông Hoàng Văn Quảng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, tại 25 điểm bán hải sản an toàn của tỉnh, trước đây trung bình mỗi điểm bán được 150 - 200 kg/ngày. Sau khi nguyên nhân cá chết được công bố, các chợ hải sản mở rộng hơn nên lượng hải sản bán tại các điểm này có giảm đi.
“Người dân vẫn chưa quen với hải sản đông lạnh, có tem nhãn mà thích mua cá tươi tại chợ hơn. Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục duy trì các điểm bán hải sản an toàn này”, ông Quảng cho hay.
Tại Quảng Trị, để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 1.700 hộ vay gần 50 tỷ đồng để chuyển đổi cơ cấu việc làm, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Tỉnh Quảng Trị đã khuyến khích, hỗ trợ các địa phương đầu tư xây dựng các mô hình nông trại vùng cát, thành lập những tổ hợp tác, vay tiền đóng thuyền công suất lớn hơn vươn ra ngoài 20 hải lý đánh bắt...
Mặt khác, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương cũng tăng cường theo dõi, tuyên truyền người dân không thu mua, tiêu thụ hải sản không rõ nguồn gốc, chưa được chứng nhận bảo đảm an toàn của cơ quan chức năng. “Bộ Công Thương cũng đang yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá tình hình thu mua, tạm trữ và tiêu thụ hải sản an toàn, làm căn cứ để xác định thiệt hại, ảnh hưởng của hiện tượng hải sản chết bất thường trong thời gian qua, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ”, bà Nga cho biết.