Hải Dương nỗ lực khống chế dịch tả lợn châu Phi

Những ngày qua, nhiều giải pháp đã và đang được các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh nỗ lực triển khai nhằm nhanh chóng khống chế dịch, không để dịch tiếp tục lây lan.

Chú thích ảnh
Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy xong toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh. Ảnh: TTXVN

Báo cáo nhanh đến chiều tối 11/3 của Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương) cho thấy, hiện đã có 13 xã, thị trấn thuộc 6 huyện trong tỉnh xuất hiện dịch. Đó là các xã: Hiến Thành, Minh Hòa, Hiệp Sơn, thị trấn Kinh Môn (huyện Kinh Môn); xã Đại Đồng, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ); xã Tân Hương, Ninh Thành, Nghĩa An, Văn Hội (huyện Ninh Giang); xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc); xã Phúc Thành (huyện Kim Thành) và xã Thái Hòa (huyện Bình Giang).

Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 620 con lợn bệnh, trong đó 58 con lợn nái; 4 con lợn đực giống; 423 con lợn thịt và 135 con lợn con với tổng trọng lượng trên 37.000 kg.

Trước đó, ngay từ khi tiếp nhận thông tin về tình hình lợn ốm và chết bất thường ở xã Hiến Thành (huyện Kinh Môn) vào ngày 1/3, Chi cục đã cử cán bộ nắm bắt tình hình, kiểm tra lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân. Đồng thời, hướng dẫn địa phương khoanh vùng, tiêu độc sát trùng chuồng trại và xung quanh khu vực chăn nuôi, tiêu hủy ngay những con ốm nặng, chết nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh ra diện rộng theo đúng quy định; đảm bảo vệ sinh môi trường.

Khi xác định được nguyên nhân bệnh tả lợn châu Phi, các xã có dịch đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch; tiến hành tiêu hủy đàn lợn của những hộ gia đình có lợn bị dịch, lập các chốt kiểm soát động vật để kiểm soát việc vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn; huy động lực lượng, trang thiết bị để chống dịch; tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và các hố tự chôn hủy lợn bệnh. Các hộ chăn nuôi được yêu cầu tạm ngừng nuôi thêm lợn, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Trong 10 ngày qua, Ủy ban Nhân dân các huyện xảy ra dịch đã thực hiện công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kinh Môn, Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc, Kim Thành và Bình Giang. Ban chỉ đạo huyện được thành lập để tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trên đàn lợn, tăng cường cán bộ hỗ trợ các xã triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trong tỉnh Hải Dương cũng tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe đàn lợn tại địa phương khác trong toàn huyện nhằm phát hiện sớm lợn ốm, chết bất thường thì lấy mẫu xét nghiệm để xử lý kịp thời. Đồng thời, tiến hành khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi tập trung buôn bán, giết mổ lợn, phương tiện vận chuyển; đặc biệt là trong các vùng bán kính 3 km tiếp giáp với ổ dịch 2 lần/ngày trong 3 ngày đầu tiên, 1 lần/ngày trong 4 ngày tiếp theo, 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo. Khử trùng, tiêu độc khu vực vùng đệm (bán kính từ 3 km – 7 km) 1 lần/tuần, liên tục trong 4 tuần kể từ khi có dịch xảy ra.

Chi cục Thú y tỉnh đã tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cấp phát hóa chất từ nguồn ngân sách cho các địa phương thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm, tiêu diệt mầm bệnh, bao vây ổ dịch, hạn chế việc lây lan ra diện rộng. Tính đến ngày 11/3, đã tiến hành cấp phát gần 2.500 lít hóa chất, 10.000 kg vôi bột cho các địa phương.

Theo nhận định, đến thời điểm hiện tại cho thấy dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường và nguy cơ cao lây lan trên diện rộng. Cơ quan chuyên môn thú y đã có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cùng với đó, tăng cường thông tin tới người dân nâng cao nhận thức không hoang mang và không quay lưng với chăn nuôi lợn, với thịt lợn an toàn.

Đối với các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, Chi cục Thú y cũng yêu cầu tổ chức xử lý theo đúng quy định và hướng dẫn của Chi cục. Ngành thú y cho biết, căn cứ tình hình hiện nay, cơ quan này cũng đang đề nghị Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương xem xét cấp bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn trên địa bàn.

Mạnh Minh (TTXVN)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; kiên quyết xử lý những hành vi làm sai lệch bản chất của lễ hội;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN