Hà Tĩnh: Nhiều tuyến đê, kè ven biển hư hỏng nặng sau mưa bão

Sau khi bão số 10 và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đổ bộ vào Hà Tĩnh, nhiều tuyến đê kè ven biển của tỉnh hư hỏng nặng. Người dân xung quanh khu vực này luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ vỡ đê.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, bão số 10 kết hợp triều cường dâng cao gây vỡ và sạt lở nhiều tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh với tổng chiều dài khoảng 13km.

Sau mưa bão, không chỉ có đê kè, mà nhiều công trình giao thông của Hà Tĩnh cũng bị hương hỏng nặng. Trong ảnh: Cầu Khe Bượm, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang bị gẫy làm đôi do mưa bão. Ảnh: Công Tường/TTXVN

Tại một số vị trí như: đê Kỳ Hà, đê Hoàng Đình (Thị xã Kỳ Anh) bị sạt lở sâu phần mái đê và phần mặt bị bong xô với tổng chiều dài 6,5 km. Tuyến kè Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), đê biển Thạch Kim( huyện Lộc Hà) nước dâng trong bão vượt cao trình đỉnh đê từ 2 - 3m trong khi hệ thống đê biển trên địa bàn tỉnh mới thiết kế chống bão cấp 10, tần suất triều trung bình 5% nên nhiều khu vực đê kè bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) là địa phương nằm ngay sát biển Cửa Nhượng được bao bọc bởi hệ thống đê kè ven biển. Bão số 10 đi qua không chỉ gây thiệt hại về nhà cửa và các công trình khác mà còn gây sạt lở hơn 1 km đê kè ven biển; trong đó, 400m hư hỏng nặng cần khắc phục ngay.

Ông Nguyễn Khắc Hảo ở thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên cho biết, từ sau bão số 10, người dân tập trung sửa chữa, làm lại nhà cửa bị hư hỏng, nhưng vẫn lo lắng khi tuyến kè biển ngay sát nhà bị sạt lở nặng. Trường hợp không kịp thời khắc phục trong mùa mưa bão, nguy cơ biển xâm thực và đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân rất cao.

Tại xã Cẩm Hà, huyện Cẩm Xuyên do thiếu vốn nên tuyến đê ngăn mặn Lộc - Hà phải dừng lại. Sau bão số 10, chính đoạn đê “cụt” này đe dọa cuộc sống của gần 400 hộ dân ở các thôn Xuân Hạ, Thạch Xuân. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ, theo thiết kế còn phải xây dựng 800m đê nhưng vì thiếu vốn nên đơn vị thi công phải dừng lại.

Hậu quả để lại là 120ha đất 2 lúa bị xâm mặn, muốn sản xuất trở lại buộc phải đào mương thoát nước, bơm nước rửa mặn, tốn nhiều kinh phí. Lo ngại nhất là đoạn đê cụt này trở thành cửa để nước biển tràn vào mỗi khi triều cường lên.

Để khắc phục các tuyến đê hỏng nặng do bão số 10 gây ra, đồng thời ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đê xung yếu trên địa bàn, toàn tỉnh đảm bảo an toàn cho đời sống, sản xuất của người dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh xem xét đề xuất Thủ tướng Chính phủ trước mắt hỗ trợ 98 tỷ đồng để khắc phục ngay các vị trí bị vỡ, hư hỏng nặng. Ngoài ra, kiến nghị hỗ trợ 782 tỷ đồng để củng cố, nâng cấp các tuyến đê xung yếu trên địa bàn.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân vùng mưa lũ Hà Tĩnh và Sơn La
Xuất cấp gạo hỗ trợ nhân dân vùng mưa lũ Hà Tĩnh và Sơn La

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.597,885 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Sơn La để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của mưa lũ năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN