Hạ tầng “tụt hậu” trước tốc độ đô thị hóa

Khu vực phía Tây và Nam Hà Nội với hàng loạt dự án bất động sản đang và sẽ triển khai. Tuy nhiên, việc dân số tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa tương xứng, dẫn đến nhiều hệ lụy.


Nhiều hệ lụy

Phố Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) dài hơn 3 km, nhưng có tới 5 dự án chung cư đã và đang triển khai xây dựng, với hàng nghìn hộ dân đến ở. Trong khi đó, hạ tầng tuyến phố cả chục năm nay vẫn không hề được mở rộng, khiến con đường này được mệnh danh là "con đường đau khổ" ở phía Nam Thủ đô. Ông Nguyễn Huy Thụy, (phố Lĩnh Nam) lắc đầu ngao ngán về tình trạng tắc đường nơi đây: “Từ 4 giờ đến 6 giờ chiều, đường đã chật lại thêm các dự án chung cư thi công lấn hết cả đường, khiến dân không có chỗ đi bộ”.

Cảnh tắc đường thường thấy trên đường phố Hà Nội.

Còn bà Đỗ Ngọc Lan, bán hàng tuyến phố Lĩnh Nam bức xức: “Xe tải xây dựng phá nát đường. Đường xuống cấp, mặt đường lồi lõm ổ trâu, ổ gà. Dân ở đây đã đông, lại thêm mấy cái chung cư, nên đã tắc lại càng thêm tắc”.

Cùng chung cảnh ngộ với tuyến đường phía Nam là các tuyến đường phía Tây thành phố. “Tuyến đường Trung Kính - Lê Văn Lương hơn 2 năm trước còn thông thoáng, nhưng giờ cũng xuất hiện ùn ứ vào giờ cao điểm. Với hơn chục dự án chung cư đang triển khai và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2016, thì tuyến đường Trung Kính dự báo sẽ tắc đường. Hệ lụy tiếp theo là ô nhiễm môi trường, rác thải”, chị Nguyễn Thị Thủy, phường Nhân Chính (Thanh Xuân) cho biết.

Khu vực Trung Hòa - Nhân Chính có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất Hà Nội, với hàng loạt nhà cao tầng mọc lên thời gian qua. Nhiều khu vực, người dân bức xúc trước tình trạng quá tải của hạ tầng đô thị. “Có dự án quy hoạch làm bãi đỗ xe, hạ tầng đô thị, nhưng sau đó lại được chuyển thành các dự án nhà chung cư cao tầng để bán. Như tại khu chung cư cao tầng N thuộc khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính có mật độ dân cư rất cao với 19 tòa chung cư cao tầng. Theo quy hoạch được duyệt của khu N, ô đất C3 (diện tích 2.400 m2) là nơi xây dựng nhà cao tầng để xe kết hợp với văn phòng, nhằm giải quyết chỗ đỗ xe cho người dân khu vực nhưng nay bị biến thành tổ hợp thương mại dịch vụ còn đường nội bộ của khu dân cư khi bị chiếm dụng làm bãi trông giữ xe, cư dân rất bức xúc”, chị Thủy cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều dự án chung cư khởi công trong điều kiện hạ tầng chưa đảm bảo, khiến hạ tầng khu vực quá tải. Đơn cử như dự án Hongkong Tower được xây tại một ngõ đường Voi Phục, gồm hai tòa tháp với tổng số 260 căn hộ. Dự báo dự án này đưa vào sử dụng sẽ tạo áp lực về giao thông trên con ngõ Voi Phục. Còn tại dự án Nàng Hương (quận Thanh Xuân) cũng phải đi chung qua ngõ 583 Nguyễn Trãi chật hẹp, nguy cơ ngõ này bị ùn tắc vào giờ cao điểm là khó tránh. Bên cạnh đó, hầu hết các dự án này đều có diện tích đất eo hẹp nên hệ thống thoát nước, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải... cũng không được đảm bảo. Đặc biệt, vấn đề khiến các cư dân ở chung cư hạ tầng chưa đảm bảo là an toàn cháy nổ, khi hỏa hoạn xảy ra sẽ không có lối thoát.

Giải pháp tổng thể

Theo các chuyên gia đô thị, khu vực phía Nam và phía Tây Thủ đô có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhưng hạ tầng giao thông lại đáng báo động. Các khu đô thị mới đang xây dựng tại khu vực này khá nhiều, mật độ dân cư đã rất cao so với mặt bằng chung của Hà Nội. Do cơ sở hạ tầng và đường sá giao thông không theo kịp tốc độ phát triển nhà ở, đã dẫn tới không đồng bộ về quy hoạch phát triển, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc phát triển quá nóng các khu đô thị trong khi hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện đang gây nên quá tải, rõ nhất là việc ùn tắc giao thông đang có xu hướng gia tăng. Do đó, trước mắt sở đang nghiên cứu để có tổ chức giao thông hợp lý. Về lâu dài, việc đầu tư hạ tầng giao thông phải song hành với việc triển khai dự án xây dựng nhà ở.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Do các chủ đầu tư đặt yếu tố lợi nhuận lên trên, nên tình trạng “tiện đâu xây đấy” đã phá vỡ quy hoạch. Cho nên, phải xử lý nghiêm minh từ người cấp phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch và chủ đầu tư nếu dự án gặp sự cố, ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân. Nếu không có cơ chế đủ mạnh và định hướng quy hoạch tốt dẫn đến tình trạng doanh nghiệp hưởng lợi, còn chính quyền “chịu trận”.

“Nhiều khu vực, nhiều tuyến hạ tầng, đường sá đã quá tải, nhưng vẫn gánh những khu nhà cao tầng, kéo theo nhiều hệ lụy, rõ nhất là phá vỡ quy hoạch các dự án về hạ tầng như bãi đỗ xe, trường học, công viên… Khi quy hoạch bị phá vỡ sẽ làm rối loạn vận hành của đô thị”, ông Liêm nói.
Xuân Minh - Đức Mạnh
Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng
Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng

Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng, không gian và dân số tại các đô thị tăng nhanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN