Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/5/2022, Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022 sẽ được triển khai sâu rộng trên địa bàn Thủ đô gắn với hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, có trọng tâm, trọng điểm hướng về cơ sở, doanh nghiệp; quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo quyền, lợi ích cho đoàn viên và người lao động. Các hoạt động hưởng ứng phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chương trình hành động cụ thể về an toàn, vệ sinh lao động, mục đích của Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua đó đẩy mạnh thực hiện đánh giá, quản lý các nguy cơ, rủi ro và biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Qua Tháng Công nhân năm 2022 sẽ khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, phát huy vai trò tiên phong, đi đầu của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước. Đặc biệt nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người sử dụng lao động về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Theo chỉ đạo của thành phố, trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2022, ngành chức năng phải thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động ở một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như công trình xây dựng, giao thông, cơ khí, điện..., việc thực thi các quy định, chính sách theo Luật An toàn vệ sinh lao động.
Thành phố cũng yêu cầu tổ chức các hoạt động có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: Hội nghị, tọa đàm, đối thoại, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về an toàn vệ sinh lao động; các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động và khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Trong Tháng Công nhân năm 2022, thành phố sẽ tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; kết nối, giới thiệu, tạo cơ hội việc làm, học nghề, đảm bảo việc làm bền vững và thu nhập cho đoàn viên, người lao động. Cùng với đó là tăng cường hoạt động thương lượng, đối thoại tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chăm lo đời sống, việc làm, lương, thưởng, phúc lợi, điều kiện làm việc của người lao động; tổ chức các hội thi tay nghề, hội thi thợ giỏi, tuyên dương công nhân giỏi, sáng kiến, sáng tạo, hưởng ứng Chương trình "01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19". Trong Tháng Công nhân năm 2022, thành phố tổ chức các cuộc gặp mặt, đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền, doanh nghiệp với cán bộ Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động; hoạt động "Cảm ơn người lao động"; diễn đàn "Công nhân vì doanh nghiệp - doanh nghiệp vì công nhân"...