Chi nhánh Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị trực thuộc, tương đương cấp phòng của Trung tâm Phục vụ hành chính công, được thành lập trên cơ sở kế thừa, chuyển giao cơ sở vật chất, sắp xếp lại bộ phận một cửa thuộc UBND các quận, huyện, thị xã.
Chi nhánh là đơn vị hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản để hoạt động theo quy định; có trụ sở đặt tại Bộ phận Một cửa hiện nay của các quận, huyện, thị xã; được bố trí văn phòng, trang thiết bị làm việc theo quy định của pháp luật.
Chi nhánh được tổ chức gồm 1 Giám đốc và không quá 2 Phó Giám đốc, do Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công bổ nhiệm. Biên chế công chức, số lượng người làm việc tại Chi nhánh nằm trong tổng biên chế của Trung tâm Phục vụ hành chính công. Hàng năm, căn cứ tổng biên chế, chỉ tiêu việc làm, tình hình thực tiễn, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xem xét, quyết định số lượng công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các Chi nhánh.
Đối với các Chi nhánh khu vực, Giám đốc Chi nhánh làm việc tại Trụ sở chính và có thẩm quyền quyết định, phân công cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại các mạng lưới Chi nhánh, điểm tiếp nhận.
Hoạt động của Chi nhánh chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ ngày 1/12/2024 đến ngày 1/3/2025, thí điểm, chọn lọc vận hành thử nghiệm đối với Chi nhánh Cầu Giấy, Tây Hồ.
Giai đoạn 2 từ ngày 1/4/2025 đến ngày 30/6/2025, thành lập, tổ chức vận hành 10 Chi nhánh khu vực: Ba Vì - Sơn Tây - Thạch Thất; Đông Anh - Mê Linh - Sóc Sơn; Hoài Đức - Phúc Thọ - Đan Phượng; Hà Đông - Chương Mỹ - Quốc Oai; Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức; Thường Tín - Phú Xuyên - Thanh Trì; Hoàng Mai - Hai Bà Trưng; Nam Từ Liêm - Bắc Từ Liêm; Long Biên - Gia Lâm; Đống Đa - Hoàn Kiếm - Ba Đình.
Giai đoạn 3 từ ngày 1/7/2025 trở đi, hoàn thiện, tổ chức vận hành chính thức các Chi nhánh.
Chi nhánh Cầu Giấy sẽ được mở rộng thêm địa bàn tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của quận Thanh Xuân thành Chi nhánh Cầu Giấy - Thanh Xuân.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu việc tổ chức hoạt động các chi nhánh phải bám sát nội dung Đề án "Thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố Hà Nội", đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực, không làm gián đoạn hoạt động hành chính và gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; không làm gián đoạn và tăng chi phí trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và nhân sự đáp ứng yêu cầu vận hành các Chi nhánh.