Hà Nội tìm lời giải khi cấm xe xăng trong Vành đai 1: Phải có giải pháp đồng bộ từ phương tiện thay thế

Để cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, TP Hà Nội cần đưa ra giải pháp đồng bộ từ phương tiện thay thế, hạ tầng trạm sạc, chính sách an sinh - hỗ trợ tài chính người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện...

Chú thích ảnh
Ông Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ Giao thông vận tải.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức và Dân tộc, ông Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu ra những thách thức yêu cầu TP Hà Nội tìm lời giải khi cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội thực hiện cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Trong gần 1 năm tới, Hà Nội cần làm gì để chính sách này có thể đi vào thực tiễn hiệu quả, thưa ông?

Khi Thủ tướng chỉ đạo, địa phương phải có trách nhiệm tuân thủ và triển khai, nhưng triển khai thế nào, bằng cách nào, có lộ trình ra sao, thì lại là bài toán lớn, cần phải bàn bạc cụ thể. Cấm xe không thể là hành động đơn lẻ, mà phải là một tổ hợp các giải pháp đồng bộ, có sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp.

Điều quan trọng nhất là Hà Nội cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, có khảo sát, điều tra kỹ lưỡng, có phương án rõ ràng, tính toán đến cả yếu tố môi trường và an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
56,1% ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải.

Vậy bước đầu tiên Hà Nội cần làm là gì, thưa ông?

Trước tiên là phải khảo sát và thu thập số liệu đầy đủ. Phải biết chính xác hiện nay trong nội đô có bao nhiêu xe máy xăng, ai là người đang sử dụng, mục đích sử dụng là gì, thu nhập ra sao? Đặc biệt là những người đang mưu sinh bằng phương tiện này như xe ôm, shipper, thợ sửa xe, công nhân, lao động phổ thông… thì việc chuyển đổi phương tiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của họ.

Nếu khảo sát đúng, dữ liệu đầy đủ và chính xác, thì mới có thể đưa ra được giải pháp khả thi. Còn nếu khảo sát qua loa, làm theo mệnh lệnh hành chính, thì khi triển khai sẽ rất dễ rơi vào bị động, lúng túng.

Về mặt tổng thể, chính sách này được cho là nhằm bảo vệ môi trường. Nhưng theo ông, còn những yếu tố nào khác cần được cân nhắc?

Chính sách này rõ ràng là hướng tới chiến lược môi trường - điều rất cần thiết cho một đô thị lớn như Hà Nội. Nhưng bên cạnh đó, phải đặc biệt lưu ý tới chiến lược an sinh, sinh kế của người sử dụng xe xăng.

Người dân nghèo, người lao động thu nhập thấp là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp khi cấm xe máy chạy xăng, dầu trong nội thành. Nếu không có hỗ trợ, không có phương án thay thế khả thi, họ sẽ là những người chịu thiệt thòi nhất. Do đó, bất kỳ chính sách nào liên quan đến cấm xe xăng cũng phải đặt con người vào trung tâm.

Lãnh đạo Hà Nội cho biết sẽ hỗ trợ chuyển đổi khoảng 450.000 phương tiện xe máy xăng sang xe điện. Ông đánh giá thế nào về chính sách này?

Trước hết, phải ghi nhận lãnh đạo thành phố đã bắt đầu vào cuộc, có đề xuất cụ thể, có con số rõ ràng. Đó là một tín hiệu tích cực. Nhưng như tôi đã nói, không thể đơn thuần chỉ thay thế xe xăng bằng xe điện là xong. Gần nửa triệu xe điện mới sẽ cần đến hạ tầng trạm sạc, khu vực đỗ xe, các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Những điều này hiện nay ở Hà Nội đang thiếu rất nhiều.

Ngoài ra, xe điện có đặc điểm kỹ thuật và vận hành khác với xe xăng. Ví dụ khả năng chuyên chở hàng hóa, thời gian di chuyển, độ bền… chưa chắc đã bằng xe xăng nên dẫn đến người lao động ngần ngại khi chuyển đổi.

Chú thích ảnh
Hà Nội dự kiến hỗ trợ chuyển đổi khoảng 450.000 phương tiện xe máy xăng sang xe điện.

Việc xử lý pin thải từ xe điện sau một thời gian sử dụng cũng là vấn đề lớn. Ông đánh giá  như thế nào về điều này, thưa ông?

Xe điện dùng pin sạc, sau vài năm sẽ phải thay thế. Với 450.000 xe điện thì sau 3-5 năm, nếu tính đơn giản là sẽ có 450.000 cục pin cũ cần xử lý. Nếu không có phương án thu gom, xử lý bài bản thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có thể còn cao hơn cả xe xăng.

Thành phố phải làm việc với các đơn vị môi trường, các doanh nghiệp thu hồi, nhà máy xử lý để tính đường dài. Không thể để người dân tự xử lý pin xe máy điện như rác sinh hoạt được. Đây là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ chính sách.

Có ý kiến cho rằng nên mở rộng phạm vi cấm xe xăng ra Vành đai 2 thay vì chỉ Vành đai 1. Ông thấy đề xuất này có phù hợp không, thưa ông?

Đề xuất thì phải có cơ sở khoa học. Không thể vì thấy Vành đai 1 chật chội mà tùy tiện đề xuất mở rộng. Phải phân tích tác động môi trường, tác động xã hội, mật độ dân cư, đặc điểm kinh tế khu vực... trước khi đưa ra quyết định.

Việc mở rộng phạm vi cấm không thể cảm tính, cá nhân. Cần có các đơn vị tư vấn chuyên môn nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng. Nếu không làm kỹ, sẽ gây tác dụng ngược, phản ứng từ người dân là điều chắc chắn.

Tóm gọn lại, để thực hiện được yêu cầu cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ tháng 7/2026, TP Hà Nội cần đưa ra giải pháp đồng bộ từ phương tiện thay thế, hạ tầng trạm sạc, hỗ trợ tài chính, an sinh xã hội, đến công tác truyền thông và xử lý hậu quả về môi trường.

Nếu làm được đầy đủ như vậy, tôi tin rằng chính sách này sẽ không chỉ thành công về mặt môi trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống và sự đồng thuận của người dân Thủ đô.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)/Báo Tin tức và Dân tộc
Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn: Thành phố sẽ đầu tư hệ thống trạm sạc xe điện trong Vành đai 1
Phó Chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn: Thành phố sẽ đầu tư hệ thống trạm sạc xe điện trong Vành đai 1

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là việc đầu tư trạm sạc pin cho xe điện trong vành đai 1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN