Hà Nội thông qua Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công

Sáng 10/3, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030”.

Đề án "Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030" là một đề án quan trọng, liên quan đến điều hành của thành phố, có phạm vi bao quát rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trên địa bàn thành phố, cần sự giám sát của HĐND thành phố trong quá trình tổ chức, thực hiện. 

Việc trình Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố thông qua Đề án là cần thiết, nhằm phát huy vai trò giám sát của HĐND thành phố theo quy định và tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức triển khai Đề án.

Mục tiêu hướng đến của Đề án là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng tài sản công, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tránh tình trạng tài sản công bị để hoang hóa, không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, có vi phạm...

Chú thích ảnh
Các đại biểu bấm nút biểu quyết.

Nội dung Đề án đã thống kê, phân tích, đánh giá khá đầy đủ hiện trạng quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố (trong đó, tập trung thống kê, đánh giá đối với 4 nhóm tài sản công chủ yếu là nhà, đất đai, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản khác), phân tích đặc điểm, cơ chế quản lý hiện hành, đánh giá kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong quản lý và các công cụ, biện pháp phục vụ công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố.

Đề án xác định phạm vi gồm 4 nhóm tài sản công, đó là: Nhà; đất đai; tài sản kết cấu hạ tầng; tài sản khác. Trong đó, trọng tâm là phân tích, đánh giá đối với 2 nhóm chủ yếu là quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố và đất đai.

Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp chung gồm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về tài sản công theo hướng rõ ràng, thống nhất, đồng bộ; thống kê, hệ thống hóa đầy đủ, chính xác thông tin, dữ liệu về tài sản công với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; kiện toàn, đổi mới mô hình, bộ máy cơ quan quản lý tài sản công và đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý tài sản công; nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Cùng với đó, Đề án đề ra 4 nhóm giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và khai thác từng nhóm tài sản công của thành phố.

Trên cơ sở đề án được HĐND thành phố thông qua sáng 10/3, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã. Trong đó, trọng tâm là triển khai 4 đề án thành phần, tập trung vào 2 nhóm tài sản có quy mô và giá trị lớn của thành phố là nhà và đất đai. 

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND thành phố đã có cuộc giám sát chuyên đề năm 2022 và tổ chức chất vấn về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà đất, thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố Hà Nội. Qua giám sát của HĐND thành phố và chất vấn tại kỳ họp, có thể thấy, công tác quản lý, khai thác sử dụng tài sản công của thành phố thời gian qua còn nhiều bất cập, tồn tại và chưa phát huy được hiệu quả trong sử dụng nguồn lực có nguồn gốc từ tài sản công.

Đề án là cần thiết nhằm đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công của thành phố; nhận diện những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất các giải pháp kịp thời quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, huy động thêm các nguồn lực tài chính từ tài sản công để đẩy mạnh đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. 

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XVI sẽ diễn ra vào ngày 10/3
Kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XVI sẽ diễn ra vào ngày 10/3

Theo dự kiến, kỳ họp sẽ diễn ra trong một ngày (10/3), nhằm xem xét, thông qua một số nội dung quan trọng như điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công; Nghị quyết bãi bỏ quy định về lệ phí đăng ký cư trú...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN