Hà Nội: Thay thế xe cá nhân được thực hiện có lộ trình

Trước tình hình gia tăng dân số cũng như phương tiện giao thông, dự báo trong 5 đến 10 năm tới, Hà Nội phải đối diện với nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

 Xuất phát từ thực tế đó, thành phố đã giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Viện Chiến lược xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030”.

Đề án này đã được thành phố Hà Nội tổ chức lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan vào ngày 13/6, nhằm hoàn thiện nội dung pháp lý cũng như thực tiễn của Đề án.

Mật độ phương tiện rất đông trên đường Giải Phóng, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Đề án bao gồm 6 giải pháp chính với 34 nội dung; trong đó, có 26 nội dung thuộc thẩm quyền thành phố; 8 nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành... Với đề án này, thành phố sẽ đề xuất các cấp chức năng sớm thông qua để áp dụng vào thực tế.

Bày tỏ quyết tâm của thành phố về thay thế phương tiện cá nhân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, đề án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến phân cấp, phân quyền quản lý. Nhưng nếu thấy khó mà không làm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông ở Thủ đô. Vì vậy, thành phố đang mạnh dạn làm, có lộ trình, có giải pháp cụ thể. Nhiều nước trên thế giới cũng đã triển khai đề án giảm phương tiện cá nhân, có thành công, có thất bại. Vì thế, khi triển khai Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để làm có hiệu quả hơn.

Đường Giảng Võ, quận Đống Đa phương tiện nườm nượp đan vào nhau như nêm. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

"Trong quá trình thực hiện có gì chưa phù hợp thì sửa, điều chỉnh, bởi thực tiễn sinh động, quan trọng nhất mục đích của đề án là vì nhân dân, góp phần thiết thực vào việc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương cho rằng, việc thành phố Hà Nội hạn chế lưu hành xe cá nhân là cần thiết, giúp giảm ắc tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Hà Nội cần thực hiện đầy đủ các căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế, để thực hiện hiệu quả đề án.

Về thời gian thực hiện, theo đại diện Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Hà Nội không cấm sở hữu phương tiện, chỉ cấm lưu hành là rất hợp lý. Quá trình thực hiện cấm có lộ trình của từng tuyến đường, từng khu vực để người dân làm quen và thực hiện.

Về lâu dài, đại diện các bộ ngành đề xuất Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng phương tiện công cộng, để người dân thấy rõ được hiệu quả của phương tiện công cộng, từ đó sẽ từ bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển.

Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030", tiếp tục được tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, sau đó sẽ hoàn thiện bổ sung để thông qua trong kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố được tổ chức tới đây.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Tổ chức lại không gian đô thị TP Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông
Tổ chức lại không gian đô thị TP Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông

Tại hội thảo “Tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông: “Vun” dân và “giãn” dân” do Báo Sài Gòn Giải phóng tổ chức ngày 15/3, Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn giảm ùn tắc giao thông đô thị mà chỉ triển khai các giải pháp của ngành giao thông thôi là chưa đủ, mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN