Trong Tháng Thanh niên năm 2012, hàng ngàn bạn trẻ là thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội đã “đầu quân” vào các đội “Tình nguyện xanh” và “Giao thông xanh”, góp sức bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông cho Thủ đô.
Nhiệt huyết áo xanh
Tháng Thanh niên năm 2012 với chủ đề: “Hành động vì văn minh đô thị” của tuổi trẻ Thủ đô đến 11/3 đã bước sang chặng thứ hai, với sự ra quân của nhiều đội “Giao thông xanh” và “Tình nguyện xanh”.
Những bóng áo xanh của tuổi trẻ Thủ đô phân làn giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Đức tiến |
Có mặt tại ngã tư Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch ngày 8/3, nhiều người không khỏi ái ngại và có phần cảm phục những bóng áo xanh tình nguyện mặc áo mưa đứng ra hiệu lệnh giao thông. Với mong muốn góp chút sức mình giúp người dân có thể đi lại dễ dàng hơn, trở về với gia đình không căng thẳng sau một ngày đi làm mệt mỏi, Trần Thị Tuyết cũng như nhiều “đồng đội” của mình trong đội “Giao thông xanh” của Đại học Thủy Lợi đã dành ra mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ để đứng trực chiến tại các điểm nút giao thông vào giờ cao điểm.
Đội Giao thông xanh được thành lập, “tiền thân” là những đội đảm bảo an toàn giao thông vốn đã hoạt động rất hiệu quả thời gian qua trên địa bàn Thủ đô. Năm ngoái, đội hình này chỉ thí điểm ở 20 chốt giao thông. Năm nay, Thành đoàn triển khai rộng tại 100 chốt. Mỗi đội có 8 đến 10 sinh viên. Hàng ngày, các đội phân công chia ca để làm việc vào các giờ tan tầm: Ca sáng từ 6 giờ 30 đến 9 giờ, ca chiều từ 16 giờ 30 đến 19 giờ. “Các bạn được ưu tiên những địa điểm gần trường học để tiện cho công việc, nhưng đôi lúc vẫn linh động đổi ca cho nhau”, chị Huệ cho biết.
Trong Tháng Thanh niên này, hàng ngàn bạn trẻ sẽ tham gia vào các chốt giao thông ở 100 đội tình nguyện cấp thành phố và triển khai về tận các quận, huyện. Các bạn được trang bị cờ, còi, mũ và áo thanh niên Việt Nam, áo rét, áo mùa hè, khẩu trang và áo mưa. Năm nay, Thành đoàn Hà Nội còn đăng ký bảo hiểm tai nạn cho các tình nguyện viên, dự phòng xảy ra trường hợp rủi ro khi làm nhiệm vụ.
Bên cạnh “Giao thông xanh”, các đội hình “Tình nguyện xanh” cũng được đồng loạt ra quân và triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường tại các điểm công cộng của thành phố bắt đầu từ ngày 11/3 - mở đầu cho chặng thứ hai của Tháng Thanh niên của tuổi trẻ Thủ đô. Những ngày cuối tuần, các bạn trẻ lại tỏa ra những điểm vui chơi công cộng, những danh lam thắng cảnh để làm đẹp môi trường, bóc xóa quảng cáo, rao vặt trái phép. Đó là: Con đường gốm sứ, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng Thành Thăng Long, vườn hoa Lý Thái Tổ, hồ Hoàn Kiếm...
Kỳ vọng từ những việc làm “xanh”
Cô sinh viên trường Thủy lợi Trần Thị Tuyết đã bắt đầu công việc này từ tháng 11/2011, đến nay đã gần 5 tháng. Tuyết kể trong 2 tiếng làm nhiệm vụ mỗi ngày ấy, không ít lần cô bị những thanh niên đi đường trêu chọc, có người còn “dội gáo nước lạnh”: “Bạn mất công đứng ở ngoài đường làm gì cho bụi bặm, có thay đổi được thái độ của mọi người đâu”. Mặc dù vậy, Tuyết cho biết tới giờ cô vẫn chưa thấy chán công việc này, thậm chí vẫn đầy nhiệt huyết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có nhiều lời hỏi thăm, động viên của người dân dành cho các áo xanh tình nguyện. Nguyễn Trọng Bình (sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: Lúc trường em làm tình nguyện tại vườn hoa Lý Thái Tổ, nhiều khách du lịch quốc tế khen ngợi và quay phim. Em thấy tự hào vì không chỉ làm Hà Nội đẹp hơn mà còn góp phần đem lại những ấn tượng đẹp cho bạn bè quốc tế về thanh niên Việt Nam.
Vì thế, bất kể mưa gió hay trời nắng chang chang, các tình nguyện viên vẫn thay ca nhau túc trực tại các chốt. Những thành viên áo xanh ấy luôn đến đúng giờ, làm việc với tinh thần nghiêm túc nhất và kiên trì hỗ trợ những lực lượng chuyên trách.
Những chiến sĩ áo xanh này còn là tấm gương trong thực hiện các hành vi tham gia giao thông có văn hóa. Nguyễn Hồng Đăng, một tình nguyện viên rất năng nổ với công việc này chia sẻ: “Khi đảm nhận nhiệm vụ này, chính em còn thu nhận được nhiều kỹ năng ứng xử, giao tiếp và ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông”. Sau những giờ phút đứng phân làn đường mỏi mệt và những giờ học căng thẳng trên giảng đường, Đăng và các bạn còn tích cực tham gia thi “Tìm hiểu Luật giao thông và Văn hóa giao thông” và dự diễn đàn “Những hành vi phi văn hóa khi tham gia giao thông cần lên án”.
Anh Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: “Hà Nội đang đứng trước những vấn đề bức xúc phát sinh trong quá trình xây dựng một đô thị văn minh. Tháng Thanh niên năm nay, tuổi trẻ Thủ đô tập trung vào giải quyết những vấn đề bức xúc đó”.
Theo Thành đoàn Hà Nội, tiêu chí tuyển chọn các tình nguyện viên làm nhiệm vụ này khá khắt khe. Họ đều phải là những sinh viên có kết quả học tập tốt và đạo đức tốt.
Bí thư Thành đoàn Hà Nội tin tưởng, tinh thần tình nguyện của những bạn trẻ như vậy sẽ giúp người dân, nhất là các bạn trẻ thay đổi ý thức và hành vi của mình khi tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.
Mạnh Minh