Hà Nam: Vướng mắc trong việc nộp thuế đất ở Công ty Công trình Giao thông 820

Mặc dù đã được mua nhà theo diện thanh lý 20 năm nay, nhưng đến nay hơn 70 hộ dân thuộc khu tập thể Công ty Công trình Giao thông 820 (Công ty) có trụ sở tại xã Thanh Châu, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) vẫn chưa được sử dụng đất theo đúng nghĩa là đất ở.

Trái lại, hằng năm họ vẫn đều đặn phải đóng tiền thuế đất ở theo mức thuế đất kinh doanh. Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay không một hộ dân nào đồng ý đóng thuế đất bởi Công ty thông báo thu thuế với mức gấp hàng chục lần trước đó. Trước tình trạng này, tất cả các hộ dân trong khu tập thể nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa có lời giải.

Khu tập thể Công ty có 75 hộ sinh sống, đa phần chủ hộ nguyên là thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chuyển ngành về làm việc tại xưởng 442 (tiền thân của Công ty), hiện nay các chủ hộ này đều đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức. Năm 1973, công nhân tại đây được Công ty xây nhà cấp 4 để ở phục vụ sinh hoạt và làm việc.
 
Ông Nguyễn Ngọc Sắc, một chủ hộ tại khu tập thể cho biết, năm 1991, các hộ trong khu tập thể được Công ty thanh lý nhà với giá từ 1,1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/gian, mức giá này là tương đối cao so với giá đất bình quân trên địa bàn vào thời điểm đó, nhưng do phía Công ty đưa ra lý do sỡ dĩ giá cao là để xây dựng quỹ nhà ở và tách đất ở, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, nên không chủ hộ nào có ý kiến gì.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh khu tập thể, ông Sắc chỉ cho thấy những ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè, phần lớn các tay đòn đều bị mối mọt, ngói, xi măng mục vỡ, dột nát. Nhưng vì phần lớn các gia đình tại đây đều thuộc diện khó khăn nên không có điều kiện tu sửa. Một số hộ có khả năng cũng không dám sửa lại nhà để ở vì họ có tâm lý là đang ở trên phần đất đi thuê. Hiện tất cả các hộ dân tại đây đều sử dụng diện tích đất đã được thanh lý làm đất ở, không hộ nào sản xuất, kinh doanh trên phần đất này, bởi diện tích đất trên nằm sâu trong khuôn viên của Công ty.

Các hộ dân cho biết, trước đây chỉ phải đóng mức thuế đất khoảng trên dưới 100 nghìn đồng/hộ/năm, nhưng từ năm 2006 đến nay, các hộ dân tại đây phải đóng thuế gấp hàng chục lần. Hiện mỗi gia đình sử dụng diện tích đất từ 60 đến 140 m2, tuỳ theo diện tích sử dụng phải nộp thuế ở mức trên 1,2 triệu đồng đến gần 2,8 triệu đồng/hộ/năm. Gần đây nhất, các hộ dân nhận được thông báo của Công ty truy thu nộp tiền thuế đất trong 3 năm liền, từ năm 2006 đến năm 2008 với số tiền từ 3,68 triệu đồng đến 8,46 triệu đồng/hộ.

Phần lớn các hộ đều không đồng tình với thông báo của Công ty và không nộp thuế theo như thông báo. Bên cạnh đó, nhiều lần họ đã gửi đơn đề nghị được tách phần thuế diện tích đất ở ra khỏi phần thuế đất kinh doanh của Công ty để được đóng thuế theo đúng mục đích sử dụng, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty cũng công nhận Công ty đã thanh lý nhà ở cho cán bộ, công nhân từ năm 1991 với tổng diện tích 6.200 m2 bao gồm cả phần ngõ đi chung trong tổng diện tích 15.172 m2 đất sinh hoạt. Vấn đề các hộ dân không chấp nhận nộp thuế đất theo thông báo đã được Công ty trình lên đơn vị chủ quản là Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8, kèm theo đề nghị tách riêng phần đất ở ra khỏi diện tích đất kinh doanh, nhưng Tổng công ty cũng không đưa ra được phương án giải quyết và yêu cầu Công ty phải quản lý tất cả 15.172 m2 đất sinh hoạt hiện nay, các hộ dân phải thực hiện đúng trách nhiệm nộp thuế đất đối với nhà nước. Công ty cũng đã đề nghị với Chi cục Thuế thành phố Phủ Lý tách riêng 6.200 m2 đất ở ra ngoài diện tích đất kinh doanh của công ty để áp dụng biểu giá thuê đất ở, nhưng cũng không được giải quyết vì Chi cục Thuế thành phố Phủ Lý cho rằng phần đất này nằm trong diện tích đất của Công ty.

Ông Thắng cho biết, tính từ thời điểm năm 2006 đến nay, tổng số tiền thuế đất những hộ dân phải đóng đã lên đến trên 1,1 tỷ đồng, trong khi đó việc sản xuất kinh doanh hiện nay của Công ty đang gặp nhiều khó khăn, khó có thể ứng tiền ra để nộp thuế. Trong khi Công ty vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán nộp tiền thuế đất thì hàng chục hộ dân tại khu tập thể vẫn mong mỏi một quyết định cuối cùng phù hợp với thực trạng sử dụng đất hiện nay của các hộ. Thiết nghĩ, các cấp có thẩm quyền và các ngành chức năng của tình Hà Nam và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 cần sớm vào cuộc để giải quyết vấn đề trên.


Đức Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN