Xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) là một trong những địa phương của tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Toàn xã có 5/6 thôn bị ngập lụt; trong đó, toàn bộ thôn Bồng Lạng ngập từ 1,2 - 2 m, xóm Núi ngập từ 1 - 1,5 m. Mưa lũ làm ảnh hưởng gần 1.500 hộ dân, có 140 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… đều bị ngập lụt. Ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng cùng nhân dân khẩn trương thu gom, xử lý rác thải, san gạt bùn đất, vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm.
Ông Lê Văn Luyến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Thanh Nghị cho biết, ngay sau khi nước rút, trạm đã huy động cán bộ, y, bác sỹ xuống từng địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, công trình vệ sinh; tổ chức phun hóa chất khử trùng tiêu độc để phòng, chống các dịch bệnh sau lũ lụt.
Theo ông Phạm Ngọc Tài, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, huyện có nhiều địa phương bị ngập lụt, đặc biệt là tại các xã: Thanh Nghị, Thanh Hải, Thanh Tân, Thanh Thủy và thị trấn Kiện Khê. Do bị ngập nước lâu ngày nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Trung tâm Y tế huyện đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ các địa phương thực hiện hoạt động xử lý nước và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường các hoạt động giám sát, hỗ trợ các địa phương bị ngập úng nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch ngay từ khi mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm nhằm đảm bảo người dân có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ sau bão, toàn tỉnh có 117 điểm bị ngập lụt với hơn 16.300 hộ dân bị ảnh hưởng; trong đó, hơn 3.400 hộ ở khu vực ngập sâu phải di dời đến nơi an toàn.
Ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, tại các điểm ngập lụt sau khi nước rút sẽ để lại một lượng bùn lớn cộng với rác thải, xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh như: tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung, tại các điểm ngập lụt nói riêng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường các hoạt động giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị phát hiện sớm và xử lý kịp thời, triệt để các ổ bệnh truyền nhiễm; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh.
UBND tỉnh Hà Nam đã có công văn về tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn nhân dân khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường phố, thôn, xóm… thu gom bùn đất, xác động vật... đưa đi xử lý. Các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng giếng nước sinh hoạt và bể nước cấp; phun thuốc khử khuẩn, diệt côn trùng tại các trường học, chợ... khu vực bị ngập, lụt; cấp phát thuốc khử khuẩn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; kiểm tra công trình thu gom và kho lưu trữ chất thải, kịp thời phát hiện, xử lý ô nhiễm môi trường, không để chảy tràn chất thải gây ô nhiễm môi trường vào nguồn nước. Các địa phương xử lý kịp thời vấn đề môi trường phát sinh trên địa bàn theo thẩm quyền, bảo đảm không để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.