Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Các sở, ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã cử cán bộ về cơ sở cùng với các địa phương triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai; huy động lực lượng vũ trang trên địa bàn giúp đỡ nhân dân khắc phục thiên tai và di dời các hộ dân ra khỏi các ngôi nhà bị hư hỏng nặng; đồng thời khắc phục lại toàn bộ phần mái của các ngôi nhà bị tốc mái để ổn định đời sống cho nhân dân.
Bên cạnh đo, các sở, ngành phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn các huyện Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc thống kê thiệt hại do mưa đá và gió lốc, kiểm đếm chính xác mức độ thiệt hại để có các giải pháp khắc phục cho nhân dân.
Thường trực Huyện ủy, UBND các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc cũng khẩn trương chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã thống kê, chuẩn bị tốt các điều kiện về giống, phân bón hỗ trợ cho nhân dân khôi phục sản xuất, đảm bảo khung thời vụ tránh thiệt hại cho nhân dân. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, hộ nông dân khẩn trương khôi phục lại diện tích trồng cây dược liệu để đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Trước mắt các xã sử dụng nguồn kinh phí dự phòng ngân sách để hỗ trợ cho nhân dân mua tấm lợp khắc phục các ngôi nhà bị hư hỏng do mưa đá, gió lốc gây ra, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân dựng, vun gốc những diện tích ngô, hoa màu bị đổ rạp, nếu những diện tích ngô không khắc phục được thì sẽ nhổ bỏ để trồng thay thế.
Trước đó, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lục địa suy yếu và biến tính, kết hợp với hoạt động của dòng xiết trong đới gió Tây trên cao nên trong các ngày từ 2 đến ngày 3/4, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa rào và dông mạnh, có nơi xuất hiện mưa đá và lốc xoáy gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu của người dân, doanh nghiệp và các công trình phúc lợi.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Hà Giang, mưa đá kèm theo gió lốc đã làm 1 ngôi nhà bị sập hoàn toàn tại huyện Quản Bạ, 21 ngôi nhà bị tốc mái, và 950 ngôi nhà bị hư hỏng do mưa đá.
Mưa đá kèm theo gió lốc cũng làm 19 công trình phúc lợi gồm các điểm trường, nhà lưu trú giáo viên, trạm y tế của các huyện Quản Bạ, Yên Minh và Mèo Vạc bị hư hỏng. Gần 900 ha cây ngô đang trong thời kỳ cây con từ 3 đến 5 lá tại huyện Quản Bạ đã bị hư hỏng nặng.
Trận mưa đá kèm theo gió lốc lớn nhất xảy ra từ trước đến nay cũng đã làm 50 ha diện tích cây dược liệu bị hư hỏng nặng; trong đó hơn 40 ha là của các doanh nghiệp. Nhiều diện tích cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao của doanh nghiệp và đồng bào dân tộc thiểu số như: Đương quy, Bạch truột, Bạch thược, Đẳng sâm. Gần 140 ha cây rau mầu các loại như bắp cải, cải đông dư, cải thảo của bà con các xã Quyết Tiến, Tùng Vài, Tả Ván, Đông Hà thuộc huyện Quản Bạ cũng bị hư hỏng nặng.
Đặc biệt, rạng sáng ngày 3/4, sét đã đánh chết 5 con trâu của hộ gia đình anh Giàng Chỉn Sài ở thôn Tả Chải, xã Bản Máy thuộc huyện Hoàng Su Phì. Gia đình anh Sài có đàn trâu 6 con thì bị sét đánh chết 5 con; trong đó có 3 trâu cái đang độ tuổi sinh đẻ, 2 trâu nghé 24 tháng tuổi, ước tính thiệt hại của gia đình trên 130 triệu đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, do bước vào đầu mùa mưa lũ, vì vậy thường hay xảy ra tố lốc và mưa đá. UBND tỉnh Hà Giang cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo và triển khai các biện pháp phòng, chống mưa đá, gió lốc kịp thời và có hiệu quả.