Như TTXVN đã đưa tin "Cả gia đình ăn nhầm phải nấm độc, 2 mẹ con đã tử vong". Ngày 10/9, Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết:
Anh Vàng Mí Mua, đang được các bác sỹ tích cực điều trị. Ảnh: Minh Tâm |
Mặc dù đã huy động nhiều bác sỹ nỗ lực điều trị cho 2 bệnh nhân: Sùng Thị Dua, 15 tuổi và Vàng Mí Mua, 39 tuổi, đều là dân tộc Mông ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) bị ngộ độc chuyển về từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ. Nhưng đến 3h sáng ngày 10/9, bệnh nhân Sùng Thị Dua trong tình trạng rất nguy kịch nên xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã đưa về gia đình ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ). Hiện cháu Sùng Thị Dua đã tử vong.
Qua mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc trên, các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cho biết: Cả 4 bệnh nhân trong vụ ngộ độc ở thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) gồm: Anh Vàng Mí Mua, 39 tuổi; vợ là chị Tráng Thị Mua, 38 tuổi và con gái là Vàng Thị Dế, 13 tuổi cùng cháu Sùng Thị Dua, 15 tuổi (người cùng thôn) đều ăn bánh ngô đã bị mốc. Như vậy, cả 4 người trong vụ ngộ độc thì đã có 3 người tử vong.
Hiện còn lại bệnh nhân duy nhất trong vụ ngộ độc là anh Vàng Mí Mua, đang được các bác sỹ tích cực truyền dịch dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và dùng thuốc bảo vệ tế bào gan. Bs Nguyễn Xuân Sơn, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Vàng Mí Mua đã tiên lượng bệnh nhân Vàng Mí Mua cũng đang trong giai đoạn nguy hiểm.
Đây chỉ là một trong những vụ ngộ độc bánh ngô xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang những năm qua. Điển hình là vụ 25 người ngộ độc bánh ngô, một gia đình 3 người chết xảy ra ở xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn) ngày 12/4/2008. Để ngăn chặn tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hơn nữa trong bà con dân tộc thiểu số, để mỗi bà con tự ý thức được mình khi sử dụng bánh ngô - một món ăn truyền thống của đồng bào trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
Minh Tâm