Là tỉnh miền núi biên giới nơi cực Bắc của Tổ quốc, điều kiện kinh tế còn nhiều thiếu thốn nên Hà Giang gặp không ít khó khăn. Được sự quan tâm của nhà nước thông qua việc đầu tư cơ sở, vật chất trường lớp học, năm nay ngành giáo dục Hà Giang bước vào năm học mới với một tâm lý hân hoan, phấn khởi.
Niềm vui lớn cho học sinh nghèo
Là tỉnh nằm trong diện 30a của Chính phủ, những năm qua, Hà Giang đã được nhà nước quan tâm chú trọng đầu tư cho giáo dục và coi công tác “trồng người” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Chất lượng giáo dục của Hà Giang tuy không thể so với các tỉnh miền xuôi nhưng cũng đã có nhiều kết quả đáng khích lệ.
Giờ tan lớp của học sinh trường THCS Pả Vi, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Kim Tiến |
Kết thúc năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục tỉnh Hà Giang có những tín hiệu vui nhưng lại lo làm sao duy trì và đảm bảo được chất lượng trong năm tới. Do kinh phí dành cho giáo dục còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách nên cơ sở vật chất trường lớp, nhà công vụ, sân chơi bãi tập còn thiếu thốn, bên cạnh đó việc đảm bảo điều kiện ăn ở cho các em học sinh tại vùng đặc biệt khó khăn vẫn đang là một vấn đề lớn.
Thầy giáo Lương Minh Hoạt - Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Sà Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang): Đến nay, toàn thể giáo viên và học sinh của trường đã sẵn sàng đón chào năm học mới với tâm trạng rất hào hứng. Nhờ Chính phủ quan tâm, đời sống của các em học sinh sẽ được cải thiện. Tôi chắc chắn kết quả học tập của các em năm nay cũng sẽ được nâng lên rất nhiều. |
Thầy giáo Vũ Văn Lượng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên cho biết: Khi biết được Chính phủ có quyết định trợ cấp gạo cho học sinh nghèo, nhà trường rất mừng. Với 15kg gạo cho mỗi học sinh được nhận hàng tháng, các em sẽ được ăn uống đầy đủ và no ấm hơn, nhà trường cũng không còn phải lo việc giá cả leo thang, các giáo viên sẽ yên tâm tập trung nhiều hơn cho công tác giảng dạy, phấn đấu nâng cao chất lượng dạy và học. “Từ trước đến nay nhà trường thường phải lo ăn, ở cho các em học sinh. Nhiều em ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí có những em bỏ học giữa chừng để về tham gia lao động phụ giúp bố mẹ. Nhà trường thường xuyên phải vận động để các em quay lại học tập. Hy vọng từ năm nay sẽ không còn trường hợp bỏ học do không có điều kiện theo học”, thầy Phạm Văn Cương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Khau Vai (huyện Mèo Vạc) khẳng định.
Chính sách đúng niềm tin cho nhân dân
Nhiều phụ huynh học sinh tỏ ra cảm động khi con em mình được Nhà nước quan tâm, chăm lo chu đáo từ việc học đến đời sống sinh hoạt. Anh Thào Mí Chơ xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn cho biết: Chính phủ ngày càng có nhiều chính sách quan tâm đến người nghèo. Chúng tôi được hỗ trợ vốn, hỗ trợ cây giống để đảm bảo cuộc sống, con tôi được Nhà nước cho đi học và nuôi dưỡng chu đáo. Tôi rất cảm kích, cảm ơn Đảng và Chính phủ nhiều lắm.
Tập thể dục giữa giờ của học sinh trường THCS Cán Chu Phìn. Ảnh: Kim Tiến |
Bà Mai Thị Thịnh - Trưởng phòng Giáo dục Dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết: Quyết định 36/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giải bài toán khó mà nhiều năm nay lãnh đạo tỉnh cũng như ngành giáo dục Hà Giang trăn trở. Đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang còn nghèo và lạc hậu, để đảm bảo cuộc sống hàng ngày đã khó nói gì đến việc nuôi con ăn học. Trước đây khi các em được hưởng 40% phụ cấp cơ bản, dù vẫn còn thiếu thốn nhưng đó đã được coi là bước ngoặt để các trường duy trì sỹ số. Từ năm học này, học sinh nghèo được trợ cấp gạo đã tạo động lực cho các em tiếp tục theo học, giảm tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Ngày 18/6/2013 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 36/2013/QĐ - TTg về việc hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi học sinh sẽ được nhận 15 kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm. Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có gần 60.000 học sinh tiểu học và trung học đang theo học trong các trường Phổ thông Dân tộc bán trú có điều kiện đặc biệt khó khăn, thuộc đối tượng được thụ hưởng. Quyết định trên đã đem lại niềm vui lớn cho ngành giáo dục tỉnh Hà Giang. |
Ông Mai Ngọc Hướng - Phó Ban dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Quyết định 36/2013/QĐ - TTg là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Quyết định này không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với sự nghiệp giáo dục mà còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc. Bà con các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới vui mừng khi con em mình được chăm lo bao nhiêu thì càng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước bấy nhiêu. Đây là niềm vui lớn không chỉ dành riêng cho ngành giáo dục mà còn đối với toàn xã hội.
Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố trên toàn tỉnh Hà Giang đang tập trung hoàn thiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị đón năm học mới 2013 - 2014. Công tác sửa chữa, xây mới các cơ sở vật chất đang được gấp rút hoàn thành. Sở đã chỉ đạo các trường tập trung rà soát lại đội ngũ cán bộ giáo viên, bổ sung chỗ thiếu, điều động sắp xếp hợp lý để đảm bảo công tác dạy và học. Đồng thời khắc phục và sửa chữa các phòng học xuống cấp và thay thế bàn ghế, đồ dùng học tập. Huyện Mèo Vạc đã trích ngân sách 5 tỷ đồng cho công tác tu sửa trường học, huyện Vị Xuyên tu sửa và xây mới gần 30 trường học các cấp, huyện Hoàng Su Phì có hàng chục trường học, nhà lưu trú được Nhà nước đầu tư, các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng mới…
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đã làm được hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa được đầu tư xây dựng, phải học nhờ trong trụ sở của xã, của thôn, cơ sở vật chất như bàn ghế, đồ dùng học tập thiếu tốn chưa đảm bảo chất lượng dạy và học…
Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn luôn được Chính phủ quan tâm đầu tư và coi trọng từ nhiều năm nay. Quyết định 36/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không chỉ mang lại niềm vui lớn cho ngành giáo dục tỉnh Hà Giang nói riêng và sự nghiệp “trồng người” trên cả nước nói chung mà còn tạo động lực to lớn để nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hướng tới phát triển đất nước toàn diện và bền vũng.
Đỗ Bình
Cô giáo Đinh Thị Hải, Trường mầm non Đăk-Rin, thôn Đăk Kênh, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi): Lớp học nhờ ở nhà dân Điều kiện học tập của các em ở đây rất thiếu thốn, lớp học không có, phải mượn nhà dân nhưng nay cũng rách nát. Không có trường lớp đồng nghĩa với việc thiếu thốn các trang thiết bị phục vụ việc học cho các em. Cô giáo Trần Thị Bích Trí, Trường mầm non Sơn Tân huyện Sơn Tây, (Quảng Ngãi): Tạm bợ phòng học tạm Lớp học này phòng giáo dục huyện thuê của dân được khoảng 4 năm. Do phòng ở vị trí thấp, vào những ngày trời mưa nền ẩm ướt nên để tránh cho các cháu bớt bẩn, trường đã mua bạt lót phủ lên phía trên, các cháu đến lớp thì ngồi lên bạt để học. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn lại hỏng, phải thay tấm khác. Vào mùa mưa, nước tạt, dột khắp nơi nên chúng tôi phải cho các em nghỉ. Ông Hà Phải, Phó Trưởng phòng giáo dục huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi): Vẫn chờ phòng học mới Để khắc phục tình trạng lớp học tạm bợ, thiếu thốn, phòng giáo dục đã cho các em học nhờ, học ké những lớp, điểm trường học một buổi, đồng thời trích ngân sách để thuê nhà dân làm lớp học cho các em. Mặc dù thiếu phòng học trầm trọng nhưng năm học 2012-2013 vừa qua, không có phòng học mới nào thuộc bậc học mầm non ở Sơn Tây được xây thêm. Dự kiến từ nay đến năm 2015, Sơn Tây sẽ được đầu tư xây dựng 31 phòng học mới cho bậc mầm non, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Điều đáng nói nữa là vừa qua, trong quá trình di dời số hộ dân vùng bị ngập ở xã Sơn Long của dự án thủy điện Đakđrinh, không hiểu sao lại bỏ quên điểm trường tiểu học của thôn Romanh. Để có chỗ cho khoảng 40 em của điểm trường học, hiện các thầy cô đang rất vất vả tìm địa điểm dựng lớp tạm cho kịp khai giảng năm học này. Đ.T.H |