Hộ nông dân Đặng Tấn Tài ở ấp Tân Quới Tây, xã Trường An, TP Vĩnh Long được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn nuôi bò thịt, phát huy hiệu quả. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Từ phong trào này, nhiều mô hình, cách làm hay đã cho hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận bình quân hàng năm đạt hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Đó là mô hình nuôi dế của nông dân Thái Kim Hoa ở phường 3, thành phố Vĩnh Long cho lợi nhuận trên 700 triệu đồng; mô hình trồng thanh long của nông dân Bạch Văn Nhân ở xã An Phước, huyện Mang Thít thu lợi nhuận hơn 900 triệu đồng trên diện tích 20.900 m2; nông dân Lâm Văn Chỉnh ở xã Chánh An, huyện Mang Thít trồng 10.000 m2 sầu riêng cho lợi nhuận trên 800 triệu đồng...
Phong trào nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi còn đem lại tác dụng tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong năm, các cấp Hội đã phối hợp vận động hội viên, nông dân hiến gần 12.200 m2 đất, hoa màu, cây ăn trái có trị giá trên 6 tỷ đồng; đóng góp trên 1.300 ngày công lao động với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương… Tỉnh Vĩnh Long hiện có 32 xã đạt 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Có được kết quả trên, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp phối hợp với địa phương, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức trên 300 cuộc hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống… cho hàng chục ngàn hộ, với số tiền hỗ trợ lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thanh Trang, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khắc phục dần tình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa, liên kết trong sản xuất, từ đó giúp cho nhiều hộ nông dân của tỉnh thay đổi tập quán canh tác, phát triển vươn lên làm giàu chính đáng. Phong trào còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nhàn rỗi ở nông thôn có thêm thu nhập cho gia đình ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Theo đó, các cấp hội đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình kinh tế tập thể gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo nghề, nâng cao trình độ sản xuất thâm canh; huy động tối đa các nguồn vốn hỗ trợ nông dân gia tăng giá trị sản phẩm và khả năng cạnh tranh, giải quyết việc làm, tăng tỷ lệ hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo, thoát nghèo bền vững.
Cùng với đó, các cấp hội xây dựng mô hình phát triển sản xuất giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.