Giữ thương hiệu cho sản phẩm làng nghề

Không có những sản phẩm thực sự mang dấu ấn Hà Nội là điểm yếu dễ thấy nhất của du lịch thủ đô.

Sản phẩm làng nghề… giống nhau


Hà Nội tới 1.270 làng nghề, trong đó 272 làng được công nhận làng nghề truyền thống vừa đa dạng về loại hình, vừa phong phú về sản phẩm với 47 trên 53 nhóm nghề toàn quốc cùng khoảng 200 loại hàng thủ công. Tuy nhiên nhiều làng nghề vẫn chưa tạo được thương hiệu riêng, chưa thu hút được khách du lịch mặc dù có tiềm năng và ngành nghề rất đặc sắc.

Hoàn thiện các sản phẩm tại cơ sở đúc đồng Mai Hoa thuộc làng đúc đồng Ngũ Xã, Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng- TTXVN.


Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội - Viện xã hội học) bày tỏ băn khoăn: “Các sản phẩm du lịch có sự trùng lắp giữa các làng nghề. Khách tham quan đi đến làng nghề nào cũng thấy những quà lưu niệm như vòng đeo tay, dây đeo… giống hệt nhau. Đặc biệt là vào các kỳ lễ hội thì độ trùng lắp càng cao. Dường như các làng nghề, các lễ hội mặc chung một bộ quần áo, họ không nhấn mạnh được thế mạnh của mình”.

Làng nghề Hạ Thái là làng thủ công mỹ nghệ nhưng chưa khẳng định được thế mạnh của mình. Những thứ quà lưu niệm bày bán ở đó cũng quanh quẩn vòng tay, chuỗi hạt, ví thổ cẩm… Trong khi Hạ Thái có nghề truyền thống lâu đời đến hàng trăm năm, nghề được bảo lưu và khẳng định nhưng sản phẩm thì không khác gì những làng có nghề gần gũi.

Cách đó không bao xa là làng Nhị Khê có nghề tiện gỗ làm sản phẩm từ xương động vật, từ ngà… nhưng cũng không tạo được sản phẩm mang dấu ấn riêng. Dường như ở đây có sự cạnh tranh không lành mạnh, nhiều làng nghề đang “ăn cắp” mẫu mã của nhau. Việc này khiến những người làm ăn chân chính không muốn sáng tạo, không tạo ra nét riêng của làng nghề. Đó thực sự là điều đáng báo động hiện nay.

“Chúng ta có thể thấy được rằng trong bất cứ địa hạt nào của văn hoá, đạo đức đến trình diễn, du lịch đều xuất phát từ truyền thống. Vì vậy, chúng ta không tận dụng được cái mạch truyền thống ấy thì tự trói tay trói chân mình. Cái có sức hút lâu bền, thu hút đặc biệt du khách nước ngoài chính là bản sắc văn hóa nội tại ở mỗi miền”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Hàng ngoại tràn ngập

Bát Tràng là một trong ít làng nghề còn giữ được nghề truyền thống và được thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tương đối đồng bộ. Thế nhưng ngay tại chợ gốm Bát Tràng, nơi giới thiệu và trưng bày sản phẩm gốm sứ của làng thì nhiều du khách đã phải ngỡ ngàng khi rất nhiều cửa hàng tại đây bày bán sản phẩm gốm sứ có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc… mẫu mã, chất liệu không khác gì những chiếc cốc được bày bán ở các chợ khác tại Hà Nội. Một số cửa hàng sản phẩm gốm sứ Trung Quốc chiếm hơn 20% số lượng hàng hóa bày bán.

Theo lý giải của những chủ cửa hàng gốm sứ tại chợ gốm Bát Tràng, sở dĩ làng nghề bán thêm gốm sứ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu mua hàng giá rẻ của khách, bởi người ta chỉ chú ý đến giá cả chứ không quan trọng về chất lượng, nhiều du khách còn không để ý đến sản phẩm mình mua có xuất xứ từ Trung Quốc hay Bát Tràng. Bởi vậy, dù chất lượng gốm sứ Trung Quốc có thấp hơn rất nhiều so với gốm Bát Tràng nhưng vẫn đắt khách.

Ông Phùng Văn Hữu – Trưởng Ban Quản lý chợ Bát Tràng cho biết: “Chúng tôi đã đề ra qui định chỉ được bày bán hàng Bát Tràng trong chợ. Nhưng một số hộ vì cái lời trước mắt mà nhập hàng Trung Quốc vì hàng Trung Quốc mẫu mã phong phú và giá rẻ hơn. Ban quản lý đã vận động, thậm chí còn sử dụng một số biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn không thể cấm hoàn toàn được”.

Không riêng gì Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm thì nay cũng bị lụa Trung Quốc trà trộn. Những người đi chợ còn phải truyền “bí quyết” làm thế nào để chọn được đúng lụa Hà Đông. Người Việt Nam đến đây còn phải như vậy huống hồ là du khách nước ngoài. Việc bán trà trộn hàng ngoại nhập dễ khiến du khách “mua nhầm” sản phẩm ngoại nhập kém chất lượng nhưng lại đánh giá đó là hàng nội. Như vậy, không những ảnh hưởng đến uy tín của chính sản phẩm làng nghề mà còn làm mất đi thiện cảm của du khách dành cho làng nghề Việt.

Tại những điểm du lịch khác ở Hà Nội cũng đang bày bán tràn lan đồ ngoại nhập. Như phố đi bộ Chợ Đồng Xuân được xác định là nơi bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề của Hà Nội và vùng lân cận, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nhưng hiện nay nơi đây đã trở thành chợ bày bán các sản phẩm ngoại nhập chất lượng thấp, giá rẻ. Hiếm lắm mới thấy thấp thoáng các quầy bày bán hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề để giới thiệu đến du khách.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình trăn trở: “Chúng ta dễ dãi tiếp nhận các sản phẩm, văn hóa ngoại lai từ nước khác và cho chúng tham gia vào cơ cấu giới thiệu tại các điểm du lịch, các di tích. Nhiều nơi còn trà trộn giữa sản phẩm làng nghề và sản phẩm ngoại nhập. Đó chỉ là thoả mãn thị hiếu xoàng xĩnh bên ngoài của du khách, không làm cho người ta đến du lịch Hà Nội với niềm tự hào, chiều sâu bản sắc văn hóa, không cẩn thận chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”.

Tạ Nguyên - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN