Giao lưu nghệ thuật tri ân liệt sĩ ‘Sống mãi với non sông’

Tối ngày 5/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam và các đơn vị hữu quan tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Sống mãi với non sông" nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

Phát biểu khai mạc chương trình, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam cho biết: “Các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc đã qua, biết bao xương máu của các thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống. Có thể hình dung, mỗi tấc đất đều có máu xương của các Anh hùng liệt sĩ thấm vào. Theo số liệu thống kê, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sĩ đã ngã xuống”.

Chú thích ảnh
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ Việt Nam chia sẻ tại chương trình giao lưu nghệ thuật "Sống mãi với non sông".

“Gần 50 năm đã trôi qua, đất nước ta đã im tiếng súng, nhưng vẫn còn một việc lớn thiêng liêng phải làm đối với 53 vạn liệt sĩ, đồng nghĩa với gần 53 vạn người mẹ, người cha, người vợ khắc khoải chờ mong từng ngày, từng giờ đưa được hài cốt người thân của mình về nơi chôn nhau, cắt rốn. Trong số đó, hiện vẫn còn 18 vạn hài cốt liệt sĩ đang nằm lại các chiến trường ác liệt năm xưa ở Việt Nam, Lào, Campuchia”, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng cho biết.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách ưu đãi, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và thực hiện tốt đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, có nhiều hoạt động thiết thực làm thay những việc mà các liệt sĩ để lại, góp phần giảm bớt khó khăn, giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ ổn định cuộc sống.

Trong tháng 7, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã tri ân tặng quà cho 1.100 thân nhân gia đình liệt sĩ; tặng 10 nhà tình nghĩa; di chuyển 20 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ yêu thương; giám định ADN cho 19 liệt sĩ, trong đó có 4 trường hợp đúng tên liệt sĩ; tổ chức khám cấp thuốc miễn phí cho gần 300 thân nhân gia đình liệt sĩ.

Chú thích ảnh
Giao lưu với các cá nhân có hoạt động tích cực trong hoạt động tìm kiếm thông tin liệt sĩ chưa xác định danh tính.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và một số thân nhân các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; trao kết quả giám định ADN cho thân nhân 4 gia đình liệt sĩ.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đình Luật chia sẻ tại chương trình giao lưu.

Tại chương trình giao lưu, ông Vũ Đình Luật, Trưởng đoàn Cựu chiến binh (CCB) tình nguyện, thuộc Hội Hỗ trợ gia đình Liệt sĩ tỉnh Bình Phước cho biết: “Đơn vị chúng tôi là đơn vị tình nguyện gồm các CCB được thành lập tháng 2/2012, phối hợp cùng quân đội thực hiện đề án 515 tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã gắn bó với Ban Chính sách và Đội chuyên trách K72 tìm kiếm thông tin, khảo sát, thẩm tra, xác minh tài liệu, thẩm định di vật, đưa được 118 liệt sĩ về an táng tại các Nghĩa trang, thông báo cho trên 2.700 gia đình các thông tin có liên quan tới liệt sĩ, cung cấp hàng trăm trang tài liệu và thông tin liệt sĩ cho đội K72, tổ chức cất bốc và tiễn đưa hàng chục liệt sĩ về quê hương…

Qua thực tế tìm kiếm thông tin liệt sĩ, ông Vũ Đình Luật cho rằng, để xác minh thông tin liệt sĩ chưa xác định danh tính cần thực hiện một số giải pháp như: “Phải tiếp cận được các tài liệu về những chiến dịch, những trận đánh các đơn vị ghi chép lại, nhằm đánh giá được quy mô, phạm vi tác chiến và mức độ thiệt hại... làm căn cứ và kết hợp với những yếu tố khác mới có thể lập được kế hoạch khảo sát, thăm dò tìm liệt sĩ hiệu quả.

Chú thích ảnh
Chương trình nghệ thuật.

Tiếp đó, khai thác tài liệu từ phía quân đội Hoa Kỳ đang còn lưu giữ về những trận đánh và những di vật của liệt sĩ để lại. Đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng, giúp tìm kiếm các mộ liệt sĩ chôn tập thể được thuận lợi.

“Trong quá trình tìm kiếm thông tin liệt sĩ, chúng tôi đã tạo được sự ủng hộ của những nhà khoa học, trí thức đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực, có trình độ chuyên môn sâu rộng… đã góp phần hỗ trợ máy móc hiện đại, thông qua máy tính, điện thoại, chuyển tải hàng nghìn tài liệu, hồ sơ, chứng cứ liên quan tới liệt sĩ ở nhiều địa phương. Nhờ vậy, việc hỗ trợ thân nhân tìm liệt sĩ, đính chính thông tin trên bia mộ ở các nghĩa trang đã trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn”, ông Vũ Đình Luật cho biết.

Tin, ảnh: XC/Báo Tin tức
‘Trả lại tên’ cho các liệt sĩ chưa xác định danh tính
‘Trả lại tên’ cho các liệt sĩ chưa xác định danh tính

Hiện cả nước vẫn còn gần 180.000 liệt sĩ chưa được tìm thấy, khoảng 300.000 liệt sĩ chưa biết tên dù đã đưa hài cốt vào các nghĩa trang. Để trả lại lên cho các liệt sĩ chưa xác định danh tính, các cơ quan chức năng đã thành lập ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân để so sánh kết quả giám định gen (AND).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN