Hưởng ứng Thư kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, thực hiện Chương trình phối hợp giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ giai đoạn 2018 - 2022, ngày 13/6, tại chùa Quán Sứ - trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức “Ngày hội hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo”. Tham dự có các chức sắc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, cơ quan và khoảng 300 tăng, ni, Phật tử tình nguyện tham gia hiến máu nhân đạo.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dù y học có những tiến bộ vĩ đại, nhưng hàng ngày, hàng giờ, chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh đau lòng, vì không có đủ lượng máu để kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu, giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ, nếu chỉ lo trau dồi kiến thức mà quên mất lòng từ bi là không đúng với tôn chỉ của đạo Phật và trí tuệ ấy cũng không trọn vẹn. Trong đời sống nhân gian, việc thực hành hạnh bố thí nội tài (cho đi những thứ bên trong cơ thể như máu) khó hơn bố thí ngoại tài (như tiền bạc, đồ vật, thức ăn... để cứu người khác qua cơn nghèo đói). Chính Đức Phật và Chư Bồ-tát đã trải qua nhiều kiếp thực hành hạnh bố thí nội tài để làm gương cho hàng Phật tử còn nặng tâm tham ái.
Với khoa học và đạo đức thế gian, hiến máu không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, cứu người là một hành động thiêng liêng đáng quý hơn mọi hành động. Việc hiến máu là đại thuận duyên để thể hiện lòng từ bi, hàm chứa cả ý nghĩa tự lợi và lợi tha.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Trần Quốc Hùng cho biết, đến nay, máu vẫn là loại thuốc điều trị đặc biệt, chưa có gì thay thế được và chỉ có thể hiến tặng từ những người khỏe mạnh. Loại thuốc đặc biệt này ngày càng cần thiết và quan trọng, không những cho nhu cầu chữa bệnh hàng ngày, mà còn phục vụ trong tình huống khẩn cấp của thảm họa, thiên tai, dịch bệnh.
Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền lợi ích của việc hiến máu gắn với trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người dân. Từ đó xây dựng phong trào hiến máu tình nguyện nước ta ngày càng phát triển bền vững, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế, của Hội Chữ thập đỏ, mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Trải qua hơn 2.000 năm đạo Phật hiện diện tại nước ta, Phật giáo đã hòa nhập cùng dân tộc, giáo lý đạo Phật đã thấm vào lòng người để tinh thần từ bi chia sẻ với cộng đồng được lan tỏa. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, đem tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Ngày hội "Hiến máu cứu người - Hành Bồ Tát đạo" là hoạt động thiết thực nhằm thể hiện tình cảm, hạnh từ bi của chư tôn đức lãnh đạo; tăng, ni và Phật tử tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người bệnh.
“Hiến máu cứu người là nét đẹp, mang tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc. Bất cứ người dân nào, không phân biệt giới tính, nghề nghiệp, có đủ sức khỏe đều có thể tham gia hiến máu”, ông Trần Quốc Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, năm 2014, cả nước đã vận động và tiếp nhận hơn 1,4 triệu đơn vị máu, tương đương với gần 1,5% dân số hiến máu. Trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác vận động và tiếp nhận máu phục vụ, cấp cứu, điều trị người bệnh. Hưởng ứng Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện, tinh thần dân tộc và truyền thống nhân ái của người dân Việt Nam đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ về “tình người ấm áp trong cơn khủng hoảng máu”, hàng ngàn người đã đến, vui vẻ xếp hàng chờ đến lượt được hiến máu.
Với sự nỗ lực của Ban Chỉ đạo và Hội Chữ thập đỏ các cấp, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận hơn 430.000 đơn vị máu từ Chiến dịch hiến máu dịp Tết - Lễ hội Xuân hồng và sự kiện Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”. Kết quả của phong trào đã cung cấp lượng máu ngày càng lớn, căn bản đáp ứng đủ nhu cầu về máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Hàng triệu người bệnh nhờ đó đã được cứu sống. Kết quả này có sự tham gia và đóng góp lớn của các tang, ni, Phật tử trong cả nước thời gian qua.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Phật giáo trong cả nước phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp, ngành y tế vận động tăng, ni, Phật tử tiếp tục tham gia hiến máu cứu người; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, xã hội để lan tỏa tình yêu thương, sự sẻ chia giữa con người với con người, với thông điệp "Cho đi là còn mãi", với tình yêu thương noi gương Đức phật “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa” được lan tỏa.
Chia sẻ ý nghĩa cao cả của việc hiến máu cứu người, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, không chỉ hiến máu, việc hiến tặng mô tạng cũng là chương trình mà Giáo hội đã thực hiện trong nhiều năm qua. Thượng tọa mong muốn hành động có ý nghĩa này được lan tỏa đến tất cả các Ban trị sự tỉnh, thành phố và tăng, ni, Phật tử trong nước. Sau sự kiện này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ có văn bản gửi các tổ chức Giáo hội địa phương thực hiện chương trình “Hiến máu cứu người- Hành Bồ Tát đạo”.
Trong Ngày hội đã có hàng trăm người đăng ký, qua đó, thu được hơn 200 đơn vị máu, bổ sung vào ngân hàng máu, phục vụ công tác điều trị.