Giám sát thu gom chất thải ở khu cách ly, bệnh viện dã chiến

Tính đến ngày 9/8, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 85 khu cách ly, 423 vùng cách ly tập trung (phong tỏa) và 9 bệnh viện dã chiến.

Chú thích ảnh
Các nhóm chất thải y tế được phân loại và lưu giữ riêng biệt. Ảnh minh họa: Thành Đạt/TTXVN

Theo các cơ quan chức năng, chất thải phát sinh từ hoạt động của các bệnh viện dã chiến chủ yếu là chất thải lây nhiễm với khối lượng khoảng 5,4 tấn/ngày. Các chất thải này được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Môi trường Việt Xanh thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt chất thải nguy hại.

UBND các huyện và thành phố Long Khánh, thành phố Biên Hòa cho biết, chất thải phát sinh tại các khu cách ly, vùng cách ly tập trung, phong tỏa  bình quân là 77,63 tấn/ngày, trong đó chất thải lây nhiễm khoảng 29,47 tấn/ngày, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 48,16 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được giao cho Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi, Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi thu gom, xử lý bằng phương pháp khử khuẩn, sau đó chôn lấp hợp vệ sinh tại khu xử lý chất thải Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) và khu xử lý chất thải Quang Trung (huyện Thống Nhất). Chất thải lây nhiễm được chuyển giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi, Công ty Cổ phần Môi trường Tân Thiên Nhiên, Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Môi trường Việt Xanh thu gom, xử lý bằng phương pháp đốt trong lò đốt chất thải nguy hại.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại các đơn vị đã phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh ở các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly. Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Y tế tăng cường kiểm tra việc thực hiện quản lý chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly.

Liên quan đến thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, trong đó có chất thải y tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh rà soát, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và những hạn chế tại các khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã được duyệt; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tái chế và tái sử dụng chất thải nhằm hạn chế chôn lấp chất thải ra môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thành phố xây dựng Đề án quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị làm việc với đơn vị thu gom, xử lý chất thải y tế không làm phát tán ra cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Tài chính tham mưu về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phương tiện, nhà máy, công nghệ xử lý chất thải; Sở Xây dựng đánh giá lại quy hoạch quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; UBND các huyện, thành phố quan tâm thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt chất thải y tế trên địa bàn. Định kỳ 6 tháng, các huyện, thành phố, các sở ngành liên quan gửi báo cáo kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường để đơn vị này tổng hợp và gửi đến UBND tỉnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố sẽ tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đạt được trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn; đặc biệt, quan tâm đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các khu cách ly, khu phong tỏa để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
Hà Nội yêu cầu xử lý chất thải sinh hoạt và y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường
Hà Nội yêu cầu xử lý chất thải sinh hoạt và y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, xem xét điều chỉnh phương án xử lý chất thải y tế; đồng thời tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải trên địa bàn phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN