Với sứ mệnh đem lại cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ trên toàn quốc, các chị xứng đáng được tôn vinh nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam khi lọt vào danh sách những tập thể xuất sắc nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2018.
Đem lại cơ hội làm mẹ
Trước cửa Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh luôn có hàng trăm người đang thấp thỏm nhìn vào phía trong, mong chờ được gọi tên. Họ là người thân của những em bé sinh non dưới 30 tuần tuổi đang được chăm sóc bên trong những lồng kính cắm đầy dây điện. Tạo hóa cho các em hình hài, nhưng lại không ban cho các em sinh lực, thậm chí, nhiều bé không đủ sức để cất lên tiếng khóc chào đời. Vừa lọt lòng mẹ, các em đã phải chiến đấu với bệnh tật để giành lấy sự sống khi phải nằm gọn trong lồng kính, chân, tay, mồm miệng cắm đầy các loại dây hỗ trợ dinh dưỡng, nhịp tim, hơi thở...
Dù trong lòng sốt ruột nhưng ai cũng cố gắng giữ yên tĩnh vì họ hiểu rằng, chỉ một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến các em bé giật mình, nguy hiểm đến tính mạng. Trên gương mặt họ, nỗi lo lắng đã vơi bớt dần trước những thông tin tốt đẹp về sự tiến triển của các bé mà bác sỹ, điều dưỡng thông báo. Thi thoảng, những giọt nước mắt lại lăn dài trên khuôn mặt của những ông bố, bà mẹ... Họ nức nở trong niềm hạnh phúc khi biết tin con mình đã khỏe mạnh, có thể trở về cùng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Lệ, ở Hà Nội kể lại câu chuyện của mình mà vẫn chưa tin đó là sự thật. Cách đây tròn một năm, chị tưởng không thể giữ lại được con gái vì sinh non ở tuần thứ 26, em bé chỉ nặng có 650 gram. Sau khi sinh con, chị gạt nước mắt về nhà một mình vì con gái được đưa vào lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt do các bộ phận trong cơ thể chưa hoàn thiện.
Hơn 3 tháng không được chạm vào con là quãng thời gian vô cùng khó khăn về mặt tâm lý, cả gia đình phải sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Đã có những lúc, vợ chồng chị bủn rủn chân tay, tai ù đi, chân không thể đứng vững khi nghe bác sỹ nói con gái mình bị non võng mạc và rất có thể sẽ mù vĩnh viễn... Thế nhưng, may mắn đã mỉm cười khi sức khỏe của con ngày càng tiến triển tốt, hấp thụ dinh dưỡng nhanh và phát triển bình thường. Ngày con được xuất viện, chị Lệ ôm từng bác sỹ, y tá tại Trung tâm và chỉ biết khóc, không thể nói thành lời.
Tuy nhiên, không phải trẻ sinh non nào dưới 1.000 gram cũng may mắn được sống và đem lại hạnh phúc cho bố mẹ như gia đình chị Lệ. Theo Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Minh Trác, Giám đốc trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận điều trị khoảng 25.000 - 26.000 ca sơ sinh, trong đó, số trẻ sơ sinh nhẹ cân, non tháng khoảng 4.000 ca, 30% số này nặng dưới 1.500 gram, tuổi thai dưới 30 tuần. Với những trẻ dưới 1 kg, tỷ lệ nuôi sống đang tăng nhanh qua những năm gần đây nhưng hiện mới đạt tỷ lệ 31%...
Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Điều dưỡng trưởng của Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho hay, do chào đời khi chưa đủ 9 tháng, các bé thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe như: ngạt suy hô hấp do phổi chưa trưởng thành, suy tim, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử… Chính vì vậy, công tác chăm sóc các bé vô cùng vất vả, phức tạp cần phải nhẹ nhàng và tỷ mỷ. Chị Trang chia sẻ khi chăm sóc, phải coi bé như con cháu của mình, như vậy sẽ dồn hết tâm trí, đem lại hiệu quả cao. "Dù công việc vất vả nhưng nhìn thấy cảnh gia đình hạnh phúc khi đón các cháu trở về là chúng tôi lại cảm thấy vô cùng tự hào vì đã cống hiến được công sức của mình để có thể duy trì được mầm sống vừa mới đâm chồi", chị Nguyễn Thị Thu Trang xúc động nói.
Dành trọn tình yêu cho trẻ
Có lẽ ai cũng hiểu để giành giật sự sống cho những thai nhi bé nhỏ không hề dễ dàng. Nhưng phải tận mắt nhìn những hình hài non nớt nằm trong lồng ấp thì mới cảm nhận được hết cuộc chiến sinh tử quyết liệt của các y, bác sĩ nơi đây. Nhìn những cháu bé mới 25 - 26 tuần tuổi (tương đương với 6 tháng tuổi thai), cân nặng 700 - 800 gram nằm trong lồng ấp với chiếc đầu nhỏ xíu, chỉ nhỉnh hơn chiếc bóng đèn tý chút, làn da tím đỏ, mỗi nhịp thở cũng khó nhọc thì sẽ thấy được sự sống thật mong manh.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho biết: Trẻ non tháng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn từ trong bụng mẹ, bệnh tim, hạ đường huyết, hạ thân nhiệt, rối loạn điện giải, vàng da, nhiễm khuẩn, xuất huyết não… Vì vậy, chu trình chăm sóc trẻ phải tuân thủ theo phác đồ nghiêm ngặt và đòi hỏi sự kiên trì theo dõi sát sao.
Theo Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hoa, hệ tiêu hóa của trẻ đẻ non rất yếu, nhiều trẻ chưa hoàn thiện. Vì vậy, trong 72 giờ đầu, thường phải áp dụng truyền chất dinh dưỡng qua đường cuống rốn, tức là truyền trực tiếp chất dinh dưỡng vào thành ruột trẻ giống như cách trẻ tiếp nhận dinh dưỡng ở trong bụng mẹ. Có nhiều trẻ do không tiếp nhận được thức ăn nên bị trào ngược ra, phải quay lại chu trình ăn qua xông. Cứ như thế, phải làm đi làm lại nhiều lần đến khi trẻ tiếp nhận được thức ăn. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng quyết định trẻ có thể sống sót được hay không.
Điều dưỡng Nguyễn Thu Hường cho biết, công việc tại Trung tâm rất áp lực, vì vậy ngoài tình yêu nghề cần phải có tình yêu trẻ tuyệt đối. Theo chị Hường, để đảm bảo an toàn cho các bé, chị và các đồng nghiệp phải thường xuyên đi các lồng ấp, quan sát sự biến đổi của những bệnh nhi tí hon để có biện pháp xử lý ngay nếu có những bất thường xảy đến với các em. Công việc này đòi hỏi mỗi người phải thật tận tâm và trách nhiệm. "Các cháu sinh non thường rất yếu, mỏng manh, thương lắm. Với những trường hợp đó thì phải chăm sóc đặc biệt, sau đó ra viện còn phải hướng dẫn người nhà cách chăm các bé tại nhà để phát triển sức khỏe, trí não", chị Hường tâm sự.
Lãnh đạo Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh cho biết, những năm gần đây, nhờ sự tiến bộ của khoa học nên tỷ lệ trẻ sinh non được cứu sống đã tăng lên rất nhiều. Năm 2010, lần đầu tiên Trung tâm sinh đã nuôi dưỡng thành công trẻ sơ sinh có cân nặng thấp nhất tại Việt Nam là 500 gram (hiện trẻ đang đi học và phát triển bình thường tại Hải Dương). Đây là 1 trong 10 thành tựu của ngành y tế năm 2010. Từ đầu năm 2018 đến nay, Trung tâm đã cứu sống 3 trẻ 500 gram trong đó có 2 trẻ sinh đôi và gần 20 trẻ có cân nặng chỉ 600 - 700 gram.
Theo Bác sỹ Lê Minh Trác, để có được thành công trên, bệnh viện đã áp dụng những thành tựu y học hiện đại nhất vào chăm sóc trẻ như hồi sức ngay từ phòng đẻ, chống suy hô hấp, chống tắc nghẽn đường thở, lồng ấp cách ly môi trường, nuôi dưỡng tĩnh mạch sớm, chiến lược ăn sữa mẹ sớm tăng dần từng ngày…
Một trong những phương pháp mới nhất của Trung tâm là phương pháp bơm thuốc xung phát thẳng cho em bé mà không xâm lấn (phương pháp lisa). Tức là những bé sinh non nhưng có nhịp tự thở, các bác sỹ sẽ không đưa ống nội khí quản mà xông nhỏ và bơm thuốc qua đường khí quản để em bé tự thở bằng máy mũi. Biện pháp đó làm giảm nguy cơ xuất huyết não cho em bé, giảm sang trấn, tăng áp phổi cho trẻ sơ sinh mà trước đây gần 100% bệnh nhân ngạt, tăng áp phổi phải chuyển Bệnh viện Nhi Trung ương.
"Chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1.000 gram là một nhiệm vụ rất khó khăn đòi hỏi những kỹ thuật phải cao, các bác sĩ phải thực sự giỏi nghề. Chi phí chăm sóc cho trẻ sơ sinh dưới 1kg vào khoảng gần 100 triệu, nếu trẻ có trọng lượng 500 gram thì chi phí còn đắt gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, kinh phí này đều được Nhà nước chi trả", Bác sỹ Lê Minh Trác nhấn mạnh.
Nhìn những hình hài bé nhỏ cựa quậy trong vòng tay ấm áp của người thân, chúng tôi thực sự thấy thán phục trước những gì các y bác sĩ nơi đây đã làm được. Còn gì thiêng liêng hơn việc đem lại sự sống cho hàng ngàn sinh linh bé nhỏ. Những bàn tay và trái tim của các y, bác sĩ đã làm nốt phần việc còn dang dở của tạo hóa. Có thể với các các y, bác sĩ, đó là công việc thường ngày nhưng với hàng triệu bào thai được nuôi sống thành người thì đó là một điều kỳ diệu.