Giải quyết chế độ cho người mất hồ sơ gốc

Qua đợt tổng rà soát người có công mới đây cho thấy, còn 63.551 trường hợp tồn đọng là thương binh, liệt sĩ bị mất hồ sơ gốc nên chưa được hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Để sớm giải quyết cho những trường hợp tồn đọng này, Bộ Lao động Thương binh, Xã hội và Bộ Quốc phòng đã ra Thông tư 28 về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chế độ chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ (thông tư 28). Tuy nhiên thực tế còn nhiều vướng mắc.

Cái khó ở cơ sở

Về huyện Phú Xuyên (Hà Nội) để tìm hiểu thực tế việc giải quyết chế độ cho những trường hợp người có công bị mất hồ sơ gốc, ông Vũ Văn Khiêm (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên), cháu liệt sĩ Vũ Văn Trọng cho chúng tôi xem giấy báo tử của đơn vị ghi rõ hy sinh ngày 23/7/1947 và trong hồ sơ lưu trữ của xã còn ghi số bằng Tổ quốc ghi công ZQ11252b. Tuy nhiên, theo kết quả tổng rà soát, liệt sĩ Vũ Văn Trọng lại nằm trong diện không đầy đủ giấy tờ.

Liệt sĩ Nguyễn Đình Chè cũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi còn trẻ và không còn hồ sơ gốc. Ông Phạm Văn Đại, Trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) cho biết: “Cả xã Chuyên Mỹ có 3 trường hợp đều hy sinh trong kháng chiến chống Pháp nhưng không có hồ sơ gốc. Do đặc thù, xã Chuyên Mỹ trong kháng chiến chống Pháp là vùng tạm chiếm, nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch nên có trường hợp tham gia kháng chiến không có lệnh nhập ngũ”.

Các cơ quan chức năng huyện Phú Xuyên đối chiếu danh sách trên bia mộ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Chuyên Mỹ.


Theo hướng dẫn của huyện Phú Xuyên, xã Chuyên Mỹ đã lập hồ sơ dựa trên các căn cứ: Có bia mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã, có tên trong danh sách liệt sĩ xã, có tên trong lịch sử đảng bộ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu lập hồ sơ, hầu hết trường hợp này hy sinh còn rất trẻ, chưa lập gia đình nên thế hệ cháu chắt nắm thông tin không được chi tiết. Do đó, các cán bộ thường liên hệ những người làm chứng cùng thời kỳ để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, thời gian cũng đã gần 60 - 70 năm nên nhân chứng còn ít.

Ông Trần Công Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: “Qua khảo sát, huyện có 45 trường hợp liệt sĩ và 35 trường hợp thương binh không còn hồ sơ. Qua thực tế cho thấy, việc lập hồ sơ theo thông tư 28 gặp nhiều khó khăn như liệt sĩ tham gia chống Pháp mất cách đây 70 năm. Họ tham gia chiến đấu và không nghĩ là sau này được suy tôn nên người nhà và cấp chính quyền không lưu lại giấy tờ liên quan... Với những hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH cần có hướng dẫn cụ thể để dễ dàng hơn trong việc công nhận liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp không còn hồ sơ gốc”.

Cần hướng dẫn cụ thể hơn

Trong số những người có công chưa được công nhận do hồ sơ tồn đọng, có không ít trường hợp làm thủ tục hồ sơ chưa đúng quy trình. Về huyện Phúc Thọ tìm hiểu trường hợp ông Hoàng Kim Phong, một cựu thanh niên xung phong (TNXP) cho thấy, ông Phong bị thương khi tải đạn tại Quảng Bình năm 1962, hiện vẫn còn mảnh đạn và nhiều vết thương trên người nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là thương binh.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH: “Để giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, Cục Người có công chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục làm đủ hồ sơ theo quy trình. Các địa phương cũng phân công trách nhiệm cụ thể tới từng đơn vị. Đối với những trường hợp không giải quyết được theo Thông tư 28, Cục Người có công cần phối hợp với đơn vị chức năng nghiên cứu để có hướng dẫn mới sớm giải quyết các trường hợp tồn đọng còn lại”.


Ông Trần Mạnh Hải, Phó Chủ tịch huyện Phúc Thọ cho biết: “Một số trường hợp TNXP trên địa bàn đã làm thủ tục hồ sơ nhưng chưa đúng quy trình. Các cơ quan chức năng huyện chưa nhận được hồ sơ nên đang chỉ đạo xã hỗ trợ các gia đình hoàn thiện hồ sơ theo trình tự, sớm giải quyết chế độ chính sách cho những trường hợp đủ điều kiện như ông Hoàng Kim Phong”.

“Qua rà soát, hiện Hà Nội còn tồn đọng trên 700 trường hợp TNXP. Vấn đề vướng mắc nhất khi giải quyết tồn đọng là không còn hồ sơ gốc theo Thông tư 28 do lực lượng TNXP sau khi hoàn thành nghĩa vụ thì giải thể và trở về nhà luôn. Do đó, ngành LĐTBXH sớm có chính sách giải quyết chế độ cho cựu TNXP, nhất là những trường hợp không còn giấy tờ nhưng có vết thương thực thể như trường hợp ông Hoàng Kim Phong”, ông Đỗ Quốc Phong, Chủ tịch Hội cựu TNXP thành phố Hà Nội chia sẻ.

Theo đánh giá, không riêng gì Hà Nội, tình trạng nêu trên cũng là “bức tranh” chung của các tỉnh, thành hiện nay. Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trên địa bàn còn hơn 200 trường hợp tồn đọng, trong đó phần lớn là TNXP vướng mắc do mất hết hồ sơ, nếu chiếu theo Thông tư 28 thì khó triển khai nên cần có hướng dẫn cụ thể”.

Theo ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công cho biết: Các trường hợp tham gia chiến tranh nhưng không còn hồ sơ gốc thì chỉ cần có giấy tờ, bút tích chứng minh đã tham gia kháng chiến hoặc vết thương thực thể... Theo Thông tư 28, sẽ có trên 10.000 trường hợp người có công được giải quyết. Còn khoảng 50.000 trường hợp còn lại sẽ cần có chính sách bổ sung để giải quyết cho những trường hợp còn tồn đọng.


Xuân Cường



Có giải quyết chế độ chính sách khi bổ nhiệm hàm?
Có giải quyết chế độ chính sách khi bổ nhiệm hàm?

Khi những băn khoăn về số lượng cấp phó chưa kịp lắng xuống, dư luận lại dấy lên những lo ngại mới về việc bổ nhiệm hàm chức danh lãnh đạo quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN